Links - Liên kết dến các trang Website. Blogspot, fb, chuyên trang thơ THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

8 tháng 9, 2013

** TÔI - ĐÈN KÉO QUÂN

TÔI - ĐÈN KÉO QUÂN
Hay TIẾNG VỌNG TỪ CÕI NGHÌN TRÙNG
Tôi ra đời trong những ngày giáp tết, ở một vùng quê yên ả tĩnh lặng, con người ở đây lam lũ, cực nhọc, nhẫn nại và trầm tư. Khi dán xong những đường viền cuối cùng để trang trí cho tôi, chính họ (cha con người làm đèn) phải trầm trồ thốt lên với nhau:
- Chiêc đèn kéo quân này đẹp thật.
Tôi đưa mắt tự ngắm nhìn, quả là toàn thân tôi được trau chuốt kĩ lưỡng, hình dáng như một cái hình vuông vắn, phần cổ và đầu bóp lại và tròn, trên đỉnh có cái tán tản khói và che gió. Trông tôi na ná như chiếc đèn hỏa xa bốn mặt là những người gác tàu thường cầm lúc lắc ở tay khi xe lửa vào ga hoặc treo ở barie chắn đường bộ. Tuy nhiên, tôi to lớn hơn nhiều, cao dễ đến nửa mét, mỗi mặt đều rộng khoảng ba mươi phân được bọc bằng bốn tấm giấy trắng muốt để khi thắp ngọn đèn nhỏ phía trong sẽ tạo thành bốn mặt sang dịu y như ánh sáng của màn soi phim Xquang mà các bác sĩ dùng ở phòng mạch thời tân kì vậy. Một đĩa đựng dầu Nam để ở phía dưới (thời này người ta vẫn dung dầu Nam - dầu được ép từ các loại thảo mộc như lạc, vừng, bưởi, trẩu….chỉ có ít nhà dùng dầu lửa thường gọi là dầu hỏa hay dầu tây).
Khi hoàn thành, họ hàng nhà tôi thường được đưa ra chợ bán cho những nhà giàu có khá giả - loại nhà ngói cây mít kín cổng cao tường, lúa khoai dăm dồ đủ ăn quanh năm, vài vại cà muối mặn chát dự trữ cho tháng ba ngày tám lụt lội, rét mướt giáp hạt, lợn trong chuồng, gà ngoài sân… không kể vài con chó dữ sẵn sàng phanh thây kẻ bần hàn nào dám lảng vảng trước cổng chứ chưa nói đã vào trong dinh cơ, bén mảng tới được bờ thềm. Chính vì thế người nghèo hèn, nhất là trẻ con đều nhìn tôi lạ lẫm
Chiều hôm ấy xong xuôi công việc, tôi được treo lên trước hiên nhà, trắng muốt bảnh chọe, chiếc chong chóng hứng khói phía trên còn trinh nguyên nhưng sẵn sàng ám muội để quay đi, kéo theo một đoàn quân được gián vào treo lòng thòng ở trong bụng đèn nếu được thắp ngọn bấc ở cái đĩa dầu Nam phía dưới. Cha con người lam đèn ngắm nghía tôi săm soi, không dấu nổi nét hân hoan rạng rỡ trong ánh mắt, anh ta vốn là người tha hương đến xứ này kiếm sống, chị vợ tật nguyền không ra đồng được vì đi cà thọt, bàn chân phải co rút lại tròn như một bịch vải đựng mui nóng để chườm cho người cảm mạo hay bầm dập do chấn thương. Cả năm ngón chân đều bị sợi gân chủ phía trên bàn kéo ngược về sát với mắt cá, chúng nằm chen chúc như những chồi gừng chỉ thiên. Có lẽ vì thế mà anh chồng bù lại chút hoa tay, chữ viết cũng sáng sủa đủ để dạy y tờ ít cho lũ trẻ trong làng, cuối năm lại mở nghề hàng mã, hương hoa, nhang khói… thân hình gầy nhom, nét mặt khắc khổ hằn theo năm tháng của anh ta, giờ mới thấy chút vui mừng phấn khởi trước kết quả lao động của mình khi mùa xuân sắp đến.
Họ mải mê ngắm nhìn tôi mà không hay biết bọn trẻ con hàng xóm tự lúc nào đã bu quanh thành một đám bên dưới nơi treo tôi. Tôi ngó xuống thì thấy những con mắt mở tròn thao láo, nhìn chằm chặp không chớp, ánh lên sự tò mò ngây ngô. Những cặp mắt ấy hầu như đều được đặt trong những khuôn mặt choắt teo mang dấu ấn của sự nếm trải cuộc sống thiếu thốn khổ cực. Nhìn những khuôn mặt ấy tôi dám chắc cả mùa đông vừa rồi tôi không một lần tắm rửa, Những khuôn mặt còn phảng phất vẻ hoang dã, chịu đựng đói rét và nhọc nhằn đang choán nét hồn nhiên của tuổi thiếu thời.
- Đèn kéo quân đấy! Thằng con người làm đèn nói đầy tự hào.
Bấy giờ đám trẻ con mới nhao nhao lên, chỉ trỏ trầm trồ, bình phẩm tôi bằng những lời nói chúng nói được. Vài đứa trẻ nín lặng, chăm chú nhìn tôi hồi lâu mà hai dải mũi của nó cứ tự nhiên thò ra trắng ởn và dài dần, dài dần, chảy qua môi trên, qua mồm, thõng xuống trông vừa giống hai nanh lợn lòi lại vừa giống hai dải thịt thừa mềm nhũn ở dưới mỏ con gà tây. Ngắm nhìn chúng nó, tôi thấy tự hào về mình. Trước mắt chúng, tôi thật cao sang, lộng lẫy, mượt mà, sạch sẽ, thơm tho, kiêu sa và huyền bí nữa. Chúng hỏi nhau loạn xí ngầu, rằng là cái dĩa bên dưới để làm gì? sao lại treo cái vòng có hình kia vào dưới cái chong chóng, mà làm sao chong chóng lại quay được?... Tôi chợt thấy nhồn nhột, gai gai, thèn thẹn. Thực ra tôi rỗng tuyếch đơn giản đến mức trần trụi, chỉ có chiêc chong chóng ở nơi cổ đèn, quay được nhờ khói của ngọn đèn nhỏ phía dưới bốc lên, khi quay chong chóng kéo theo vòng quân treo phía dưới nơi khoảng giữa bốn mặt giấy bọc xung quanh, ánh sáng ngọn đèn chiếu hàng quân lên bốn mặt giấy - thế thôi.
Tôi cảm thấy mình đã sinh ra đúng thôi, vì nếu chậm một chút nữa thôi, hậu duệ họ hàng nhà tôi ngay những  năm sau đó đã hoàn toàn thất sủng, tàn lụi và tuyệt diệt.
Âu cũng là chuyện thường tình ở đời, làm gì có cái chuyện rỗng tuếch, đơn giản như tôi mà gây sự hứng thú, vui thích, say mê cho người đời mãi được. Chúng tôi là sản phẩm của con người, phản ánh khả năng của trí tuệ thời kì còn mông muội, chúng tôi được con người nghĩ ra để mà giải trí, nếu trò chơi quá trống rỗng, giản đơn thì làm sao có thể nói con người chơi nó là văn minh cho được.
Sau này, khi tôi đã qua đời, đã về cõi nghìn trùng, trong đó hồn ma còn lởn vởn đó đây, tôi cứ buồn cười và hổ thẹn mãi về thời hoàng kim, thịnh vượng của dòng họ. Bây giờ, nếu tôi có đỗ xuống vành tai của một đứa trẻ nào đó đang xem tivi, xem video, hay đang chơi trò chơi điện tử, điều khiển máy vi tính hay đang say sưa ở phòng karaoke, vũ trường… để nói với chúng rằng: “hãy từ bỏ những thú vui đấy đi sẽ được tặng không một chiếc đèn kéo quân”, thì không biết sự thể sẽ như thế nào?
Hoàng hôn đã buông, màn trời cuối năm xám một màu chì, đâu đó tiếng gọi gà về chuồng - loại gà cũng that khôn ngoan, biết năm hết tết đến, gia chủ sẽ hào phóng hơn khi vãi những nắm thóc hay mớ vỏ khoai cho chúng trước giờ vào chuồng sau một ngày đào bới cần cù mà cái diều vẫn còn lép xẹp. Các mẹ gà đít to đầu chũi đã dẫn đàn con về quanh quẩn từ chiều, luôn mồm cục cục như đánh tiếng với gia chủ. Các chị gà mái cũng lảng vảng vòng ngoài, thỉnh thoảng đuổi nhau kêu quang quác như nhắc nhở về sự có mặt của chúng với những quả trứng quí giá mà gia chủ đã nhận được hàng ngày, những quả trứng mà chỉ có người già đau m hoặc trẻ con gầy yếu mới được hưởng. Chỉ có những chú trống choai, hình như linh cảm được loại các chú thường là nạn nhân có thể mất mạng trong ba ngày tết nhất giỗ chạp, nên thường về muộn với những bước đi cẩn trọng, thăm dò.
Người đi tìm gà, kẻ lượn tìm con vô tình tụ tập trước sân nhà người làm đèn, ngắm nghía tôi trân trân, ánh sáng trời không đủ rõ nữa.
Đứa con người làm đèn bước ra đằng hắng:
- Ăn cơm xong, ti nay khi tắc kè ngoài cây gạo kêu, nhà tao sẽ đốt thử đèn đấy.
Ngoài sân huyên náo lên, tiếng gọi tên con, tiếng lôi kéo, giục giã của các bà mẹ khi mây thằng oắt còn ngoái lại hẹn nhau lát nữa sẽ đến “dự lễ khánh thành” mà trong lòng đứa nào cũng muốn mình là người sớm nhất.
Tôi lấy làm ái ngại, thương cảm xen lẫn chút gì đó vui vui, khi thy chúng hân hoan chờ đón việc đốt thử tôi. Với chúng, có lẽ thời điểm con tắc kè kêu chắc còn quan trọng hơn cả thời khắc thế giới cắt băng khánh thành một công trình thế kỉ.
Đốt thử đèn - ba tiếng âm vang nghe náo nức như một sự kiện, một biến cố thật đáng nhớ, còn hơn cả cái lần được xem phim đèn chiếu ngay tại làng, nơi mà tổ tiên họ từng sống hàng nghìn năm nhưng chưa một lần chứng kiến. Cả làng còn nhớ rất rõ hôm ấy họ đã tụ tập rất sớm, mắt dán vào tấm vải màu cháo lòng to bằng chiếc chiếu đôi, phía sau họ có mấy nguời xúm xít quanh một cái đèn to tướng sáng như mặt trời, họ nói là đèn “măng sông” được che kín bốn bề chỉ trừ một lỗ vuông nhỏ chiếu ánh sáng lên đúng tấm vải được dựng cách chừng mười lăm thước. Khi chiếu: người ta đưa cái rổ đựng những bức hình đã được sắp xếp theo thứ tự và đặt từng bức vào trước cái lỗ. Diệu kì thay, trên tấm vải hiện ra một hình người đen thui, người ta nói to cho cả làng nghe: đó là một kẻ xấu, thằng ăn trộm. Lúc sau người ta nhấc ra đặt bức thứ hai vào lỗ, đó là một cảnh cày cây, thứ ba là hình một người lính. Cứ thế họ đặt lần lượt 35 bức hình khác nhau, có người lại bảo là 36 bức. Riêng chuyện này đã có một trận cãi lộn và đánh nhau thiếu điều sứt đầu mẻ trán.
Lần này, chưa để nhà người làm đèn ăn tối xong bọn trẻ đã gọi nhau í ới, vài người già bỏm bẻm nhai trầu chờ đợi, thỉnh thoảng nhổ toẹt bãi nước đỏ loét xuống sân, mồm không ngớt trò chuyện. Người làm đèn kêu đứa con giữ ngọn đuốc bằng ba bốn cái lõi nhang hỏng, lui cui lôi từ trong góc gầm giường một cái chai bằng cổ tay đựng dầu Nam bước ra hàng hiên, trịnh trọng nhấc tôi xuống đặt dưới thềm. Anh ta loay hoay mở cái nứt chai mãi vì đóng quá chặt lại còn bọc  năm tầng bảy lớp sợ dầu bay hơi. Thế mới biết giọt dầu quý giá biết nhường nào. Anh ta ngồi chồm hổm, lưng khom cụp xuống, cổ vặn mặt ngược lên trông như mảnh vỏ đỗ khô, một tay giữ gốc đèn khi đó đã được thằng con nhấc lên cách mặt đất khoảng năm mươi phân. Anh ta từ từ thò cái tay cầm chai dầu vào trong bụng tôi nghiêng dần xuống giữa cái đĩa. Sau ba bốn lần dừng lại thăm chừng dầu chỉ mới chảy được một phần cái đĩa bé tí, mấy giọt dầu chảy theo thành chai nhễu xuống đất trước sự tiếc rẻ của hai cha con và mọi người - Thằng con thì vẫn cứ đứng chết trân cố giữ cho tôi được thăng bằng. Cái bấc đèn được xe từ mảnh giẻ rách trông như một đoạn dây thừng nhỏ, chắc chỉ bằng ba cái chân nhang gộp lại, nhoai một đầu ra ngoài vành dĩa.
Tôi được treo lên chỗ cũ trong sự hồi hộp của mọi người. Đêm cuối năm, gió heo may se lạnh, tiếng xỉ mũi xì xoẹt. Người làm đèn giơ ngọn đuốc lên chỉ còn cách đầu bấc chưa đầy gang tay thì bị gió thổi tắt mất, thằng con xăng xái chạy vào bếp mang hẳn một khúc củi lớn lửa đang cháy bừng ở đầu than hồng rực. “Không được, cháy mất cả đèn” - người cha lầm bầm. Thằng con lại lăng xăng đi lấy mấy cái chân nhang, mọi người có mặt lại phải chờ đợi.
Cuối cùng, tôi cũng đã sáng lên, trắng trẻo, dịu mát, soi rõ từng khuôn mặt hân hoan. Họ đã nhìn tôi bằng ánh mắt, bằng tình cảm chân thật và ấm áp. Khói nhẹ nhàng bốc lên, chong chóng từ từ quay, hàng quân được in ra bốn mặt soi rõ những hình thù cũng bắt đầu chuyền động. Cảnh tượng thật tuyệt vời: con bò đi ra đồng, đằng sau là nông dân vác cày bừa; con trâu đang gặm cỏ có chú bé thổi sáo ngồi trên lưng; hai con gà châu đầu gườm gườm chọi nhau; người lính lưng ba lô; chàng trai đẩy xe cút kít..  xuất hiện quay tròn chầm chậm lần lượt in lên từng mặt giấy. Điều làm thích thú cho mọi người là cứ gần đến phía góc là hình như con bò ưỡn lên, người như bước tới, gà như giang rộng cánh.

Thật là kì diệu so với bữa xem phim đèn chiếu: cái gì cũng đứng cứng ngắc, chết trân. Mấy đứa trẻ bắt đầu nhảy lên choi choi, chỉ trỏ, la hét, làm như thể chỉ có chúng mới nhìn thấy được những cái vươn vai hay bước tới ấy.
Trong đám huyên náo bất trị không lường trước, một bàn tay nào đố đã. đụng mạnh vào góc dưới làm tôi chao nghiêng, dầu trong đĩa hắt ra ba phía. Toàn thân tôi bỗng chốc biến thành một bố đuốc lớn, tiếng la ó thất thanh. Khi lửa sắp bén vào mái tranh, tôi bị giật mạnh xuống cạnh đống bột nhang vừa phơi sấy hồi chiều đã được tưới chai dầu Nam quên đống nứt do ai đố hất đổ lức náo loạn. Đám người dẫm đạp lên nhau tản ra xa trong khi căn nhà tranh vách lá phứt chốc biến thành đống tro tàn, mang theo toàn bộ tài sản nhỏ nhoi tích p mấy chục năm trời tần tảo cực nhọc.
Đêm ấy, vợ chồng người làm đèn ngồi dựa lưng vào đống rơm cạnh chuồng bò nhìn về đám tro than bay lả tả dưới gió heo may. Cặp mắt họ trắng dã mờ đục, mơ hồ, tóc tai bơ phờ, mặt mũi đen nhẻm. Hai dòng lệ chảy vô vọng nơi bờ mi chị vợ, cùng với những tiếng nấc khô khốc não lòng. Hàng xóm đắp cho họ tấm chăn, sau khi không có cách nào khuyên họ về nhà mình ngủ tạm qua cái đêm kinh hoàng và giá lạnh ấy.

Từ đó tôi đã không tồn tại giữa đời trần thế, người ta không ai còn nhìn thấy tôi nữa. Đối với họ, tôi chỉ còn là hoài niệm, là đĩ vãng.Tôi đã đi về cõi nhớ, cõi vĩnh hằng.
Tôi trở thành khói bụi, bay lang thang, trong tâm tưởng luôn nhớ tới cái đêm hãi hùng ấy, nhớ tới cái buổi tối đầy những ánh mắt nụ cười hân hoan, hớn hở trong thời khắc hiếm hoi gạt được ra khỏi cuộc đời bao nỗi gian truân, cay cực. Đó là những thời khắc thật con người, thật nhân hậu và độ lượng. Làm sao tôi quên được cặp mắt vô hồn, không chút thần sắc của vợ chồng người làm đèn đăm đắm nhìn đống tro than với bao điều nuối tiếc và lo âu. Làm sao tôi quên được những cái nhìn cảm thông, thương xót của bà con hàng xóm, chắc lòng ai cũng chùng xuống nặng nề. Những cái nhìn của con người. Có lẽ đời, con người chỉ trở thành con người thật sự trong những khoảnh khắc như vậy!
Mùa xuân sắp đến, đến với mọi nhà, sắp sửa lại được nghe những lời chúc tụng nhau may mắn, cầu được ước thấy, mạnh khỏe hạnh phúc, an khang thịnh vượng
Tôi ngậm ngùi xót thương những tấm lòng hướng thiện ấy. Năm tháng cứ trôi đi mà hầu như ngày nào cũng đem đến cho từng cuộc đời những nỗi âu lo và niềm hy vọng. Thật là xót xa khi nghe họ nói: “Cũng còn may mắn lắm, của đi thay người, không ai chết cả thế là đại phúc, lại còn cái chuồng bò vẫn nguyên, may mắn lắm!” . Hàng xóm cũng có điều may mắn khác: May là lửa không bén sang nhà mình, so với nhà anh làm đèn thì họ quả là hạnh phúc.
Tôi thầm nghĩ, người đời vẫn sống được theo thời gian là nhờ cách nghĩ như vậy. Cách nghĩ thật con người. Tôi nhìn thấy rất rõ là họ đã tạo được nhiều thứ bằng sự so sánh và bằng cảm giác. Muốn thấy mình sung sướng, họ so với người cực khổ hơn. Họ so với người rủi ro để thấy mình may mắn, so với kẻ nghèo hèn để thấy mình cao sang, so với nơi khô cằn để thấy quê mình trù phú đáng quý hơn. Bằng cách nghĩ và so sánh kiểu đó họ đã nhận được những cảm giác thỏa mãn, thoải mái, họ thấy cuộc đời thật đáng yêu. Họ đã hạnh phúc thực sự. Một trạng thái tinh thần mà nhiều người đời không có được, những người này đầy lòng tham lam, ganh ghét, ghen tị, đầy những tính toán thiệt hơn và luôn thấy mình kém cạnh: Đã đủ đầy, họ lại thấy mình còn quá thiếu thốn so với người đầy đủ hơn mình. Họ so những thành tựu nơi văn minh hiện đại để luôn bực bội, bứt rứt vì sự lạc hậu của mình. Dần dần họ đã để cho những điều nhỏ nhen, hèn mọn ngự trị trong tím óc, họ sống ích kỉ, bần tiện và đầy mưu mô thủ đoạn độc ác, sâu cay để mà bon chen, giành giật, lấn tới, ngoi lên. Họ ngụp lặn trong bể trầm luân nhầy nhụa. Tâm hồn họ cằn cỗi dần, tấm lòng co hẹp lại và máu trong tim ngày càng chuyển từ màu đỏ sang màu thâm đen, cái con người trong họ dần dần bị thay bằng con vật
Trong thời gian tôi trở thành khói bụi bay lang thang khắp chốn đó đây. Một lần vào tiết trung thu lúc đang trên bầu trời một thành phố phồn hoa đô hội, tôi bỗng nhìn thấy một khuôn mặt quen quen sau cửa sổ một căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi. Tuy năm tháng đã phôi phai nhưng tôi vẫn còn nhớ đó là một trong những đứa trẻ hàng xóm có mặt trong cái đêm kinh hoàng của làng quê tĩnh lặng ấy... Đêm đốt đèn - con tắc kè kêu, rồi ngọn lửa. Bấy giờ anh ta đã có gia đình con cái, đời đã từng trải và thành đạt. Trong lòng bỗng xôn xang, tôi từ từ bay về phía nhà anh. Và kìa, anh ta đang chăm chú làm cho những đứa con thân yêu môt chiếc đèn kéo quân. Thì ra giữa cái thời đầy rẫy những trò chơi hấp dẫn đến mức diệu kì, đầy rẫy những trò giải trí mê hoặc được mọi con tim (chỉ cần nhìn vào những đồ chơi của con anh và tiện nghi nhà anh đã đủ nói lên điều đó), vậy mà anh vẫn mải mê cắt cắt, dán dán để một hậu duệ dòng họ nhà tôi ra đời. Tôi thật sự say mê ngắm nhìn đứa cháu của mình, say mê ngắm nhìn nét mặt vợ chồng và các con anh bừng lên những cuộc đời hạnh phúc.
Từ cõi nghìn trùng, tôi vẫn hằng mong cho người đời được hạnh phúc như vậy.

THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN
(Làn Gió Rong Chơi
NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ)


1 nhận xét:

  1. hanh phuc thay cho cay den keo quan. no duoc tac gia hieu nhung tinh cam sau kin trong long no. no duoc tac gia bien no thanh mot con nguoi co chieu sau noi tam sau sac. nhung tinh cam cua cay den danh cho con nguoi that dang yeu. xem ra cay den that hanh phuc anh nhi? neu ai duoc la cay den co le niem vui se bay xa hon nhieu. !!!

    Trả lờiXóa

Nếu muốn, bạn dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]