Links - Liên kết dến các trang Website. Blogspot, fb, chuyên trang thơ THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

7 tháng 9, 2013

** CÔ BA

 CÔ BA

   Bà con hàng phố gọi cô là cô Ba,
không rõ đó là tên cô hay vì thời trước giải phóng (1975) cô làm quán bar, trong sở Mỹ mà người ta quen gọi cô như thế. Cô là con gái một gia đình trong đám dân tứ xứ tụ về chen chức ở khu chuột nằm sau dãy nhà mặt tiền của một con đường nhỏ nhưng không xa trung tâm thành phố. Họ là hạng bần hàn ít học, nhà cửa toàn những thứ vật liệu tạm bợ như gỗ vụn, tôn thiếc cũ, giấy dầu, vải nhựa, thùng cạc tông được quây lại, che chắn, ngăn cách với nhau và với những con hẻm tối tăm ngoằn ngoèo như trận đồ bát quái. Họ làm đủ thứ nghề cốt là để sống qua ngày mà lòng vẫn luôn ôm mộng đổi đời bằng mọi cách.
 
Khi lớn lên đến tuổi dậy thì hơ hớ, cô Ba có thân hình nở nang cân đối, đầy sức sống hừng hực và không cam chịu cảnh nghèo hèn. Lúc đó cũng là cái thời mà đông đảo người Mỹ xì xồ xì xào trong các căn cứ, các khách sạn, các ngả đường, các quán bar và vũ trường... Cùng với đồng đôla, một mảng lớn trên mặt cũng như trong ruột cái thành phố mà ai đó đã ví là hòn ngọc viễn đông đã thay đổi, cuộc sống và con người cũng nhanh chóng thay đổi theo loại tiền mới kiếm được.
Cô Ba, những người như cô cùng nhiều người khác bị cuốn theo lực hấp dẫn của đôla bằng gia tài trời cho họ.
 Ngay phố cô, bộ mặt cũng thay đổi hẳn, những quán xá binh dân, nơi trước đây người trong hẻm cũng có thể ra ngồi ăn uống ngắm xe cộ và khách đi đường, thì nay đều được xây cất, sửa sang lại đẹp đẽ khang trang thơm phức, khách đến bây giờ đều là những người bảnh chọe đi kèm với những cô gái mặt hoa da phấn ẻo lả, trong đó thỉnh thoảng có vài người bạn hồi trước ở cùng xóm nghèo với cô. Cô Ba không tin vào mắt mình khi thấy họ chẳng khác nào những minh tinh, những bà chủ, những thần tượng…
  Một lần cô Ba đánh liều lảng vảng tới gần chỗ đầy ắp thức ăn, đầy ắp tiếng cười, đầy ắp đôla ấy để cố nhìn xem có đúng là đứa bạn mà cô đang ngờ ngợ không. Cô chờ họ ăn uống xong, cười đùa dìu nhau ra xe luôn miệng “Oke”, “Thank you”, "love you”..
-“Đúng nó rồi” - cô lẩm bẩm và khẽ gọi tên bạn mình, họ nhận ra nhau.
Đó là cuộc gặp định mệnh!
Cầm trong tay tấm “cac-vi-sit”, cô phải vất vả lắm mới đọc nổi cái địa chỉ mới của bạn mình, họ không kịp nói chuyện gì nhiều vì người đàn ông cao to lực lưỡng đi cùng giục bạn cô vào xe, chiều hôm sau mới là cái buổi chiều họ xổ bầu tâm sự cho nhau. Chủ yếu là cô Ba ngồi nghe, nào là đứa nọ cặp kè với một sĩ quan người bang Washington, giàu lắm, dẫn nó đi Hương Cảng, Singapore... sắm đồ, chơi bời hoài. Nào là đứa kia bây giờ ở trong một biệt thự sang trọng, chồng cũ về Mỹ, mới đây có anh bạn chồng nó sang mang theo hai tin, một dữ một không: Thằng bạn thân anh ta (tức chồng nó) đột ngột chết vì tai nạn mà trước khi nhắm mắt còn trăng trối lại với anh ta: “Mình với cậu thân thiết như là một vậy, nay cậu sang Việt Nam phải thay mình săn sóc cô ấy thì mình mới an lòng nơi chín suối..
Sau khi giục cô Ba dùng những thứ mà cô chưa một lần nhìn thấy, người bạn nói thoải mái:
- Theo tao thì cần quái gì phải ràng buộc với một người nào cho gò bó, ông nào cũng được, miễn là nhiều đôla. Càng nhiều ông càng nhiều đô phải không mày?
Nghe bạn nói mà cô Ba không biết tính ra sao nữa, hình như cô cũng thích đôla, có nó cô sẽ là bà hoàng, cô sẽ đi khắp thế giới, có thể cô sẽ thành tiên trên trời nữa kia.
Thời gian sau, khi cô Ba đã có đôla xài, đưa về cho nhà xài nhưng chỉ có cô mới biết, mới hiểu hết những cay đắng nhục nhằn. Cô nhớ mãi những lần đi về len lỏi trong những con hẻm ngoằn ngoèo trước những lời bàn tán của lối xóm, trước con mắt hằn học, khinh bỉ, ghen tuông của những đứa con trai nghèo hèn không có được cô và cả những cái nhìn cảm thông, tội nghiệp cô của những người từng trải.
Cô sợ, cô xấu hổ.
Lòng cô nát tan.
Xác thân cô tan nát
Quần áo cô càng đẹp đẽ, phẳng phiu, thẳng thớm thì tâm hồn cô càng héo úa, nhàu nát Cô càng xức dầu thơm, cô càng thấy chỉ thoảng chút bên ngoài. Cô càng “Oke” càng thấy là không được, càng “Verry good” càng thấy hết sức tồi tệ xấu xa.
Nhiều đêm cô úp mặt xuống gối, lệ chảy đầm đìa, mắt đỏ hoe, lòng trống vắng khô cằn.
không ngủ được.
Có lần cô nhìn trừng trừng vào tờ đôla vừa nhận được rồi giận dữ xé nát ra hàng trăm mảnh. Cô thấy mình già cỗi nên càng tô trát son phấn dày thêm để che đậy bộ mặt thật sượng sùng trơ trẽn và dúm dó. Sức trẻ căng tràn nhựa đã nhanh, chóng biến khỏi đời cô. Cha mẹ cô phiền muộn lo âu khi thấy rõ cô ngày càng tiều tụy khi nghe xung quanh bàn tán chuyện về cô, mặc dù cả nhà đã dọn ra ở mặt đường, ở trong ngôi nhà lầu khang trang rộng rãi đầy đủ tiện nghi do tiền cô làm ra và kêu thợ xây cất hoàn chỉnh.
Để cha mẹ đỡ lo lắng và đánh lừa chính mình, cô Ba đã chuyển sang một kiểu trang điểm mới, một kiểu làm đẹp mới: cô phải bơm ngực cho tròn căng thêm, nâng cao lên vì nó đã quá xệ xuống mặc dù cô còn là con gái. Tóm lại cô phải tốn kém tiền bạc và thời gian để tôn tạo, sữa chữa nhiều hạng mục công trình mà tạo hóa đã sinh ra. Chỗ nào xẹp xuống cô bơm lên, chỗ nào lủng thì cô vá lại. Không biết là những chỗ nhão ra bèo nhèo thì cô khắc phục ra sao mà công việc “làm ăn”có vẻ không dừng lại. Chắc cô đã biết bù đắp những thứ hao mòn đi. thay thế nó bằng kinh nghiệm, bằng bề dày nghệ thuật moi đô la ngày một điêu luyện hơn.
Càng ngày cô Ba càng chai lì trong chịu đựng nhưng lại càng mềm mại trong giao tiếp, trong công việc.
Kể ra cuộc đời cô Ba tuy số năm còn ít nhưng bước đi thì đã quá nhiều, cô đã bất chấp gần như tất cả.. vì thế cô đã chịu đựng được mọi nhục nhã ê chề. Cô trăn trở trằn trọc cũng nhiều nhưng cô thấy không thể thiếu đô la được nữa. Thế mới biết có người chỉ xấu hổ và sĩ diện trước đám đông mà thôi, còn khi đối mặt với lương tâm, với chính mình, hình như họ bất chấp tất cả.
Họ hàng, gia đình cô Ba, kẻ thì vì bạc tiền, người vì nhờ vả về mặt vật chất, có kẻ còn vị nể sự thành công, tài kinh doanh của cô, họ coi cô như một chỗ dựa vững chắc, là nguồn sống, là kho bạc.. mà họ là những cái máy xài tiền

Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến cái ngày đồng đô la biến mất cùng với kẻ bại trận.
Cô bàng hoàng, suy sụp hoàn toàn, cô không còn là trụ cột gia đình nữa.
Khi thời thế đã đổi thay, cuộc đời nhiều người cũng sang trang mới. Cô Ba tiếc nuối cái thời đô la không thèm đếm, cô tiếc sao không chạy theo những túi tiền ấy. Cô ngồi luyến tiếc nhiều thứ mà có lẽ nhiều nhất là chính cuộc đời mình.
‘Thế là đã hết, hết tất cả.”
Nước mắt cô trào ra khi nghĩ về người mẹ - “Không”  cô thét lên. Cô đã tìm được cách kiếm tiền về cho gia đình, cho mẹ cô đỡ nhọc nhằn, thế mà bà nỡ bỏ cô, bỏ cuộc đời như một sự chạy trốn mọi nỗi đau thương cay đắng của riêng bà, chạy trốn khỏi những lời đàm tiếu độc địa của lối xóm, chạy trốn khỏi cơn ác mộng chập chờn trong những giấc ngủ trằn trọc.
Cha cô đấy ư? Kể từ cái ngày cô không đưa tiền về nhà nữa, ông đã bán toàn bộ đồ đạc, ông đã quen rồi với rượu ngọai, thức nhắm đắt tiền, giờ đã quên hẳn những cái quán cốc lụp xụp bình dân, ông không thể quay về đó được, tâm trạng ông cũng giống với nhiều người. Ông bán dần tất cả, đến khi không còn gì để bán lấy chút tiền ra ngồi quán rượu nữa, ông quay ra chửi bới thậm tệ suốt ngày rằng con Ba, con me Mỹ ấy đã phá nát nhà ông, nó nhà là ông không ngóc lên được, nó đi suốt ngày đêm năm tháng không về thì ở nhà ông khá lên, làm được nhà cửa, sắm sửa mọi thứ, gia đình phất lên giàu có, bây giờ nó về ngồi lù lù một đống mang theo mọi sự xui xẻo từ tứ phương, trù ếm cái nhà ông, làm ông lụn bại.
Ông cứ lồng lên đay nghiến, nguyền rủa không dứt, chỉ những lúc có vài ly rượu rẻ tiền tống vào bao tử, ông mới chịu nằm yên ngáy khò khò. Chính những lức ấy, cô Ba lại phải nghe những chuyện trước đây cô không thèm nghe, không được nghe, đúng hơn là không có thời gian để ý nữa. Bây giờ trong cái quán lụp xụp đầu con hẻm tối, ngay sau nhà cô luôn vẳng ra từ mồm những bợm nhậu, mình trần trùng trục, đầu bù tóc rối,vừa nhai cóc ổi uống rượu rởm vừa chửi đổng cốt là để cho cô nghe, vừa để vơi đi sự hằn học của chính cuộc đời chúng. Cô Ba trong nhà mình mà tiếng thằng trâu đất mặt ụ cứ ông ống tuôn vào mồn một (thằng này nhà trong bốn tấm tôn rách quây lại, nơi tận cùng của con hẻm cụt, một thời bám ngót cô như một cái đuôi, một con đỉa)

-   Ù má ! Đồ ngựa cái. Hồi đó nó mời mọc tao, tao đâu có thèm, tao bảo cố mà đợi mấy thằng Tây đen Tây đỏ nó rinh...ha ha ... Đô la hỡi đô la… Tao nói đâu có sai.!
-   Đâu có sai - Tiếng thằng khác chen vô - bây giờ con đĩ đó lỗ trôn như lỗ ếch, đáng kiếp.. ha ha... Đô la hỡi đô la Là lá la... là đô với la!
Cô Ba hình dung chúng nó đang hả hê lắm, chúng nó ôm nhau nhảy nhốt, rồi lè nhè ca hát, lè nhè rủa những lời thô bỉ tục tằn đến tận cùng.
Chợt cô Ba cười vang, cảm thông cho những con người phàm phu hèn mọn kia. Thực ra họ cũng có những ước mơ, những cao vọng cho cuộc đời họ..
Ôi, ước mơ nào cũng đẹp đẽ cả, chỉ có sự thật mới phũ phàng đắng cay thôi
Cô thấy những tấm lưng trần trùng trục, nhầy nhụa mồ hôi của họ cũng đâu khác chi của những thằng mũi lõ mắt xanh, cũng thế cả thôi khi cả hai đều trần trụi - Nếu có khác nhau thì đó là ánh mắt: một bên thì chân thành cầu cạnh, quy phục; còn bên kia là sự giả dối ngạo mạn.
Mà nào cô Ba có tội gì đâu, có chăng là do cô không hiểu được, đúng hơn là cuộc đời không cho cô được hiểu. Cô nghèo, thất học nhưng ai cấm cô mơ ước đổi đời, mơ ước giàu sang quyền quý, mơ sung sướng hạnh phúc bên tấm chồng xứng đáng.
Cô ra đứng trước gương, ngắm nhìn săm soi khuôn mặt mình, nước da đã dày lên lể chỗ lồi lõm và nám đen, dấu ấn của một thời son phấn; bây giờ nó bạc phếch như tấm vải lâu ngày phơi mưa nắng. Cô thấy lòng mình trào lên uất hận. Cô nhìn trân trối vô hồn và mỉa mai với người trong gương. Cô muốn tìm lại cô ngày nào.
Cô từ từ đẩy tấm váy ngủ ra khỏi bờ vai, kéo xuống từ từ, chậm chạp. Trong gương, cô dần dần trồi lên như một con nhộng đang lột xác. Cô im lặng ngắm mình rất lâu, tay mân mê những chỗ mới ngày nào từng nhiều lời ca ngợi là ngàn đời vô giá thì nay cô thấy nó không đáng một đồng xu, còn tệ hơn miếng bạc nhạc, bèo nhèo nơi quầy hàng thịt chẳng ai thèm mua. Lòng cô xót xa, mắt cô mờ đi mơ hồ: Đồng đô la nhảy múa, cô lững thững đi dần ra phía cửa .
Cô đứng hồi lâu lặng lẽ ngắm nhìn người xe qua lại.
Dòng đời cứ trôi đi .
Như đã thành thói quen, ngày nào cô cũng ngắm mình trong gương với bộ xiêm y của Eva ấy, rồi lại lững thững ra cửa ngắm nhìn. Người nhà kéo cô vào, xích chân lại, nói rằng cô điên. Cô thì cô nghĩ nếu mình là người điên thì những thằng đàn ông ngày nào ấy là những con chó điên.
Cô Ba chẳng làm gì hại ai, chỉ đứng lặng nhìn dòng đời.
Đối diện cửa nhà cô là vãn phòng một quan - Mới đầu họ (người cơ quan) ngấp nghé sau khe cửa, sau những tấm màn gió. Vài người mạnh bạo hơn đứng lấp ló sau những chậu cây cảnh, ngắm nhìn tác phẩm của tạo hóa. Họ xì xào với nhau: “Ngữ này thì cơ quan mình lụn bại cho mà xem. Bị cái của lú ấy trù ếm tối ngày, làm sao mà khá lên được.”
Bà con hàng phố rồi cảnh sát địa phương sau nhiều lần can thiệp, cuối cùng cô Ba được đưa ra khỏi nhà để đến bệnh viện tâm thần.
Dòng đời vẫn trôi đi, cuốn theo nó bao nhiêu số phận, cái cơ quan trước nhà cô lụn bại thật, nhưng nào phải do cô!
Cô bị lôi lên một cái xe được quây kín bằng lưới sắt như xe bắt chó. Trên đường đi, qua những ô lưới nhỏ ấy, cô thấy những cô gái trẻ tràn căng nhựa sống đang hăm hở bước vào đời. Tự nhiên cô buồn, lòng cô giá băng. Cô muốn làm một người chị để nói với họ những điều về mình, về điều gì nên và không nên mà cô hiểu được. Cô nhớ lại những khuôn mặt đàn ông trong những bộ quần áo chỉnh tề bảnh bao, túi đầy tiền. Giờ này chắc họ đang len lỏi trong những đoàn người đông đảo đến với những xứ sở nghèo nàn và lạc hậu hơn, để hợp tác giúp đỡ, để khơi lên những niềm hy vọng mới và để bẻ lái những cuộc đời đầy tham vọng, ham hố.
 
Nhiều năm sau, người ta không còn thấy cô Ba ở đâu nữa. Nhà cô sau khi cô đi một thời phải thế chấp vì đổ nợ, rồi mỗi người một ngả. Chủ mới cũng chẳng dọn đến ở đấy. Nay nghe đang chờ bán cho một khách hình như nước ngoài về đầu tư. Đất nước đang thời đổi mới, đang mở cửa mà. lần này chắc cửa mở ra đúng hướng, nhiều công trình mọc ra khắp nơi, hứa hẹn có nhiều điều tốt đẹp.
Chỉ có những người trải đời, những người quen biết cô Ba thì nửa mừng nửa lo, cuộc đời cô đã ám ảnh họ tới mức khi nhìn các cô gái đang hăm hở bước đi kia họ cứ tưởng là cô Ba năm nào với những đồng đô la. Và cuối cùng là hình ảnh về tác phẩm của tạo hóa như vẫn hiện rõ cửa ngôi nhà, bình lặng ngắm nhìn dòng đời,
                          cùng chiếc xe bắt chó.
 

THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN
(Làn gió rong chơi 
Nhà xuất bản Văn Nghệ)

3 nhận xét:

  1. co BA cua anh that truan chuyen anh nhi?

    Trả lờiXóa
  2. Mưa sa - phận hẩm

    Trả lờiXóa
  3. Thấy buồn và thật thương cảm cho phận nữ nhi quá anh

    Trả lờiXóa

Nếu muốn, bạn dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]