Links - Liên kết dến các trang Website. Blogspot, fb, chuyên trang thơ THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

21 tháng 5, 2013

** ÔNG GIÀ BƠM XE


ÔNG GIÀ BƠM XE

Bên trụ điện, nơi ngã tư, góc đường, có một ông già cao niên ngồi trên chiếc ghế bố, cạnh cái bơm tay ngày này qua tháng khác. Khách của ông là những người đi xe đạp, thường từ cái khu tập thể nhiều tầng cạnh đó khi dắt xe ra đi thấy yếu hơi thì bơm thêm. Trông dòng người cuộn ngược xuôi tấp nập, thế mà chẳng mấy khi họ dừng lại để ông kiếm được chút đỉnh. Hoạ hoằn lắm mới có một người xẹp bánh nhưng ông chỉ bơm chứ không vá sửa nên họ lại vội dắt đi chỗ khác.
Thời thịnh vượng, nhà ông là một dòng tộc lớn ở quê, trong nhà người ăn kẻ ở, người làm công, đủ cả. Riêng ông, sớm theo đuổi chí hướng học hành chữ nghĩa trong những trường có tiếng khắp nước.
Ông có hai người con, con cả thì hiền lành nhân đức. Nhưng chắc vì quá hiền nên người đời lợi dụng, bắt nạt, có thể vậy mà anh chịu nhiều thiệt thòi, thua sút. Anh là một kỹ sư giỏi thuộc những lứa đầu tiên, thế mà khi bạn bè thành Tổng giám này nọ, cục hòn kia thì anh vẫn bám trụ ở một cái nhà máy hoá chất ở giữa miền trung du đầy nắng gió sương.
Sau mấy chục năm trời mới chuyển về được thủ đô, tuổi đã luống, vợ chồng con cái nhét vào chỗ đứng hóng gió đầu hành lang (theo thiết kế). tất cả ăn ngủ ở cho cả nhà không đầy 3 (ba) mét vuông. Dẫu có hiếu mấy thì cũng không thể nhét bố mẹ mình vào đâu được. Anh ở như thế không biết bao nhiêu năm, kiên trì xếp hàng ngóng cổ chờ tiêu chuẩn chế độ cấp căn hộ khá hơn.
Người con thứ hai thì ma lanh bẩm sinh, tính cách tủn mủn, nhỏ nhen, các cụ hay nói: “Đàn ông mà như đàn bà”. Anh này cũng lận đận bôn ba bắc trung nam, bươn trải lên tận rừng sâu heo hút, ở chung đụng với thổ dân trùi trụi, cũng còn may là không dính chấu cô nào. Đất nước giải phóng một thời gian anh lần mò tìm được cách dắt díu vợ con vào Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh.
Ông bà già đi theo con, con cả thì điều kịên như thế, đành tạm dồn lại chỗ thằng thứ. Biết vợ chồng nó nhỏ mọn nhưng chẳng nhẽ……..
Ông tuy đã cao tuổi lắm nhưng ơn Chúa, vẫn còn sáng suốt, nói chuyện thế thái nhân tình làm nhiều người xúc động. Trong ông, ý chí độc lập luôn trỗi dậy trước cuộc sống của chính mình và trách nhiệm với người bạn đời nhỏ nhắn suốt chặng đường trần đã yêu thương và tin cậy nơi ông.
Ông muốn tự mình làm mọi chuyện, nếu có thể, nhất là cho bà. Tuy nhiên, tuổi đã quá già, việc ông làm bây giờ chỉ đủ để thức tỉnh một chút tình cảm hay lương tâm (nếu có) nơi con cháu và chủ yếu vẫn là để ông tự an ủi mình rằng ta vẫn xứng đáng là bóng tùng quân của bà ấy.
Thực tế thì ông và bà bây giờ gần như chỉ là nơi nương tựa của linh hồn nhau mà thôi.
Ông ngồi ở gần cửa ra vào khu tập thể, phía góc đường, trời nắng ông né vào bóng đổ của cây cột điện, nó chỉ che cho ông một chút từ đầu xuống dọc sống lưng. Thôi kệ, đời trầm bổng đã nhiều, ông có sá chi, “thượng đế” mới là trên hết.
Mỗi lần có người đỗ xe lại, ông sốt sắng đứng lên. Ông chống hai tay vào thành ghế, vai xo lại lấy lực gồng mình lên mấy lượt mới được, hai cái xương quai sanh nổi rõ lên dưới cổ. Tiếc cho ông, thường mấy người kia lại không phải bơm xe mà hỏi thăm đường sá, địa chỉ….. Của đáng tội, có lần gặp thực khách, ông mừng lắm, ông dùng hết sức còn lại cố ấn cái bơm xuống nhưng nó cứ ì ra, tiến chầm chậm như người ta tiêm thuốc. Nhìn cảnh ấy, không ai nỡ để ông làm, ông cũng như cha ông họ. Họ nói ông cứ nghỉ, thể dục thế là quá rồi, để họ tự làm lấy. Coi như mượn bơm của ông nhưng nhiều người trả gấp mấy lần bình thường, ông khăng không không chịu, họ năn nỉ “ông cứ cầm lấy để thi thoảng mua cho cháu chắt cuốn sách cuốn vở, khuyến khích chuỵên học hành”, ông chấp nhận.
Có lần, một chị dừng lại tự nhiên đưa cho ông một bịch bún và những miếng chả giò. Ông sửng cồ: “Chị coi tôi là thằng ăn mày à, chị nhầm đấy”.
Thưa ông, đây là tình cảm của con, Thầy con cũng làm việc này ở cái thị xã nơi quê nhà, ông để cho con nói, đừng hiểu sai tấm lòng của con tội nghiệp.
Ông già dịu xuống nhìn chị.
Ông thì không biết con, nhưng mỗi lần đi qua đây con nhìn ông rồi cứ nghĩ đến ông ngoại các cháu, chúng con thật có lỗi…….. Con biết, tuổi già không cần gì, chỉ cần tình nghĩa, mâm cao cỗ đầy không là gì, ngon dở không là gì, chỉ ngon vì ân tình trong đó mà thôi.
Hôm nay là chủ nhật, là ngày của Chúa, con muốn biếu ông gọi là chút lòng thành, thứ mềm mềm này, ông mang về chia sẻ với bà chút ân tình của con vậy.
Ông cười nhân hậu, xin lỗi chị vì tuổi già nhiều khi đổi tính nết, (chẳng biết vì ông hay vì hoàn cảnh), chị đã nói vậy thì ông nhận…. Trong ông, ông rất trân trọng tình cảm với bà và chuyện học hành, ai dùng cái đó là thuyêt phục được ông.
Người con cả ở Hà Nội, nghe xì xèo đồn đại về tình hình cha mẹ trong Sài Gòn, anh vào bàn bạc sao đó với thằng em….
Người trong khu tập thể chứng kiến bà già thì khóc ngất đi, người anh vốn mát tính là thế mà đùng đùng cõng cha mình một mạch từ lầu 5 xuống thẳng dưới trệt mới đứng lại thở dốc. Anh ngoái lên một lần cuối như để tạ lỗi cùng mẹ “nếu có thể anh đã đưa cả bà cùng đi”.
Anh dìu ông già ra đường, kêu xe thẳng hướng ga tàu về phương bắc.
Người con thứ ngồi trong nhà mình, không hề thò cổ ra xem anh trai cõng cha đi ra sao. Bóng anh ta in trên tường đen thui, cứng đờ như gỗ đá……
Đó là lần cuối cùng với cha anh!
Không bao lâu, bà già chắc thấy mình trên cõi trần là thừa, bà vái chào ông qua ngàn dặm mù xa, rồi lặng lẽ ra đi về cõi muôn trùng.
Bà đi trong đơn côi, trống vắng đến vô cùng. Không một cuộc tiễn biệt người bình thường nào lại quạnh quẽ đến thế. Chỉ có một chiếc xe hòm đen thui. Không biết anh chị ta sống với mọi người ra sao mà không cơ quan bên nào cho một chiếc xe đưa tang. Bên anh thì không rồi, vì suốt ngày chửi đổng, cái gì cũng quốc nạn, ai cũng là ăn cắp tham nhũng, ai cũng là thú vật chỉ mỗi mình anh ta là người tử tế….. Chị thì làm công nhân gì đó về cám bã (thức ăn gia súc), người ta nói cho một xe đến nhưng đợi mãi, địên thoại chán rồi cuối cùng là không.
Cũng may có người em họ nghe tin, đánh chiếc xe bốn chỗ màu trắng sữa tới đưa tiễn mợ, người đã chia sẻ gần cả cuộc đời với cậu mình. Cơ quan bên cạnh thấy thế cũng động lòng, đưa một chiếc 16 chỗ ra gọi là để bà cụ đỡ tủi đau nơi chín suối .
Điều cay nghiệt để đời kể tiếp cho người con thứ là chị vợ không tự mình thay áo xống cho bà cụ, mà nhờ đúng một đứa ba que (vốn một phần nhờ vợ chồng nó chỉ đường đi nước bước cho anh chị có căn hộ ấy), nhưng anh ta qua cầu rút ván, không trả ơn nên nó hậm hực tìm dịp.
Nó bô bô cái miệng khắp nơi rằng:
Giờ tôi mới thấm cái câu các cụ nói: “Âm hộ vô mao bần chí tử”. Vợ chồng tôi cứ thắc mắc với nhau lâu nay hoài vì sao bà ta lại khổ thế, té ra là vậy!
Không lâu sau, ông già ở Hà Nội cùng đi theo bà, phải chăng lời nguyên rủa độc địa ấy đã bay tới tai ông.

THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN
**Viết tặng một cười đời ..Nhân hậu, thanh tao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu muốn, bạn dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]