Links - Liên kết dến các trang Website. Blogspot, fb, chuyên trang thơ THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

20 tháng 5, 2013

** CHUYỆN MỘT ĐỒNG ĐỘI CŨ


CHUYỆN MỘT ĐỒNG ĐỘI CŨ

                                                                           Thi yên Đình Nguyên 


Trời động, chiều oi nồng, xe xẹp bánh, góc phố một người sửa và ba bốn khách chờ, anh thợ vá thật vất vả với chiếc chân gỗ bất tiện nhưng bù lại bản thân nó không mụn nhọt, không đau đớn trước mọi biến động của đời trần thế.
Một cô gái khá trẻ, nét mặt khả ái nhưng từng trải, ánh mắt mệt mỏi thiếu ngủ, từ tiệm “BarberShop” bước ra mua một ổ bánh mì chỗ xe bán đồ nguội rồi quay về ngồi bên cửa tiệm nhai nhấm nhẳng. Cô gái rảo mắt qua mấy người rồi dừng lại nơi tôi với cái nhìn là lạ như có vẻ một chút thân thiện, cởi mở, một chút trông cậy, mong chờ điều gì đó. Đôi mắt buồn xa xăm thoáng vẻ bất lực chán nản xen lẫn hy vọng và bấu níu mời mọc. Hình như tôi đã gặp đôi mắt ấy, trông quen quen tồi tội và chân thành. Tôi vốn nghiền cái vụ massger đấm bóp giay bấm huyệt, nay đang rảnh tội gì cứ ngồi ngoài nắng mà không tranh thủ vào phòng lạnh thư giãn một lúc?
Thấy tôi bước đến, mắt cô gái ánh lên nét vui vẻ, đon đả mời lên phòng…
Cô kể nơi cô sống khan mưa cháy nắng, đầy bụi đỏ, ruộng rẫy sâu rầy, có khi ngô sắn sắp thu hoạch lại bị thú rừng ra phá hết, mẹ bệnh tật kéo dài bươn trải mãi rồi chết trong tủi cực. Cha cô, thời bom đạn là một là một người lính, cô tin ông là một người dũng cảm, cương trực, nghĩa khí nhưng cô không hiểu sao ông bị thương mà không là thương binh.
 Tôi không để tâm khi nghe những chuyện kê nghèo kể khổ luôn đượm vẻ não lòng mà cứ na ná nhau cùng một môtuýp ở những nơi này, nhưng khi thấy cô gái bộc bạch câu chuyện như một nỗi oan khuất làm tôi bắt đầu chú ý.            
Cô kể nhà cô vốn quê ở miền ngoài, vào xứ này khi cô còn trong bụng mẹ và là cuộc trốn chạy vì không chịu nổi những lời đồn thổi gièm pha của láng giềng rằng cha cô tự thương, không chịu nổi danh dự bị xúc phạm kéo dài dai dẳng chĩa vào gia đình. Người ta thấy vết thương nơi bàn tay cha cô như là kẹp kíp nổ, rồi kháo nhau vì thế mà không được hưởng chế độ thương binh, họ quên rằng với sự bấn loạn của chiến tranh thì không có chuyện gì là không thể, thời bình yên sáng sủa còn lẫn lộn trắng đen nữa là! Cái bàn tay cờlê, mỏlét chỉ còn hai ngón cái và út quắp vào nhau đâu có nói lên điều gì (nhưng thực tế với những trường hợp hồ sơ chứng thương không hoàn chỉnh thì thường bị gác lại).
Cô bé cười buồn, như vô tình tay lướt qua nơi tập trung năng lượng, cô thú nhận đã bán một phần cô để có chi phí đưa cha lên thành phố chạy chữa vì bệnh viện địa phương đã bó tay và trước đó cô cũng đã tìm lên thành phố kiếm tiền bởi nhặt nhạnh mấy củ khoai củ sắn ở quê thì lấy đâu trang trải trăm thứ khi gia cảnh ngặt nghèo. Tôi hiểu cô gái cần tiền và càng hiểu bức thư ngỏ mang thông điệp mà cô đưa lên mạng…
Chuyện của cô làm tôi nhớ về một đồng đội cũ, bất giác tôi hỏi tên cha cô và nơi ông bị thương. “Cha em tên Đại nhưng hồi ở quê là Quang, cha nói bị thương ở mặt trận thành cổ Quảng trị mùa hè đỏ lửa”- cô trả lời trong lơ đãng nhưng rất thật lòng.
                               ***
Chiều, tôi vào viện thăm người cha cô gái mà tôi chắc chắn đó cũng là người đồng đội cũ thời sinh tử, không nhận ra anh trừ ánh mắt, trông anh thật tàn tạ già nua và mệt nhọc, bàn tay gầy thô ráp nắm lấy tay tôi, nước mắt chảy tràn, có lẽ anh nhận ra việc trốn chạy đồng đội, trốn mọi người đã đẩy anh đến cơ sự này. Chính cách nghĩ “thà chịu khổ chứ không chịu nhục” và một chút tự ái vì danh dự đã đã làm nhiều cuộc đời đi theo ngả khác hẳn, làm nhiều người chỉ giữ được nó nhưng mất hết những thứ khác, có lẽ đó là sự khác biệt của người có nhân cách, có cá tính!?
Trận anh bị thương tôi biết, anh trốn chạy bỏ lại mọi thứ tôi có nghe nói lại loáng thoáng rồi thời gian trôi, không ai còn gặp anh nữa. Anh thì lại khác, anh biết chúng tôi, đã mấy lần anh định tìm gặp nhưng không hiểu sao lại lắc đầu chặc lưỡi!
Tôi móc máy bấm số gọi cho hai người, một đang là lãnh đạo tỉnh chính nơi anh cư trú, một là phụ trách ngành thương binh xã hội vốn là chiến hữu của cả tôi và anh, cùng chứng kiến tận mắt trường hợp anh bị thương trong trận đó. Sau khi khẳng định chắc chắn với nhau về chuyện giải quyết chế độ thương binh của anh, tôi đưa máy cho anh và thấy hình như là lần đầu tiên sau hơn một phần ba thế kỷ anh cười, cười được và được cười trong nước mắt, bàn tay “mỏlét” không chút sinh khí nắn nắn tay tôi, tin cậy…Tôi bâng khuâng nhìn người đồng đội năm nào và nhận ra anh đang buông một tiếng thở dài không còn sức sống.
Trời tối tự lúc nào không hay, cô gái xuất hiện trước cửa phòng, cô trố mắt nhìn tôi, ngạc nhiên hồi lâu, lâu lắm, rồi ấp a ấp úng: “Anh…Chú..sao chú lại ở đây”.
                          ***
Mấy ngày sau, ba chúng tôi gặp nhau (một không về vì bận việc ở tỉnh). Sau đó là hoàn thiện hồ sơ xác nhận cho anh. Khi các thủ tục hoàn tất, sắp có quyết định chính thức tôi vào báo cho anh, anh thều thào gì đó và tỏ ý muốn ngắm trăng. Thì ra, với tôi đã lâu giữa phố phường không còn chú ý đến trăng nhưng anh thì khác. Tôi bế anh đặt vào xe đẩy, cô gái đỡ phụ, ra ngồi nơi ban công, trăng thành phố chắc không có vị gió ngàn…Có một mùi hương toả ra từ làn tóc và một ánh mắt biết ơn vô hạn hướng về nơi tôi. 
Khuya, gió lạnh chúng tôi đưa anh vào giường, cô gái tiễn tôi xuống thang, cùng thả bộ một đoạn, bất chợt cô nắm tay tôi thật chặt và cho biết một điều rất bất ngờ: cô là con riêng của mẹ, hai đứa em lại đều là con nuôi vì “cha” không còn khả năng đó nữa từ ngày ở chiến trường ra. Cô gái chạy ù vào sân, tôi chưa về tới nhà thì điện thoại reo, tiếng cô gái hào hển, đứt quãng nhưng tôi biết chuyện gì xẩy ra.
Anh đã ra đi về cõi không cần gì nữa, bỏ lại đằng sau tất cả, không cần đợi tờ giấy vớt vát chút gọi là danh dự…
Trong dòng xe nườm nượp ra vào thành phố, có cả những đồng đội cũ chạy sát nhau nhưng không nhận ra, có thể họ mải vượt lên cho kịp chuyến tốc hành tới đỉnh thế giới, hay chui sâu vào những đống đôla để vãi lấp những cái lỗ giải phóng năng lượng. Hình như chỉ có chiếc xe hòm màu đen chở xác Quang là thong thả hơn nhưng nó cũng không thể chạy từ từ theo ý muốn mãi được. 
Dòng đời cuồn cuộn như thác cuốn túa nhau chen đổ xuống phía hạ lưu, trôi ra biển, nếu để ý thì thấy tất cả mọi dòng chảy đều giống nhau ở chỗ: Càng chảy tới thì càng to lên, phình ra nhưng tất cả đều càng thấp đi và khi không thể thấp hơn được nữa thì dừng lại./.
                       
THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu muốn, bạn dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]