Links - Liên kết dến các trang Website. Blogspot, fb, chuyên trang thơ THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

22 tháng 10, 2013

** GÁNH BỘT CHIÊN



GÁNH BỘT CHIÊN

Cứ tầm khoảng mười một rưỡi đêm, dưới đường trước nhà tôi lại vẳng vào các khung cửa sổ tiếng rao "Ai bột chiên đây?".
Ngày nào cũng vậy, mưa cũng như nắng, đúng hơn là cả tháng cả năm cả chục năm cũng vậy, tiếng rao như muốn khắc vào lòng người hàng phố một chữ tín. Những ai thức khuya thấy đói bụng đều hiểu rằng cứ đợi đến giờ đó sẽ có cái ăn.
Hai đứa con nhà tôi hằng đêm ngồi học bài nghe tiếng rao của bà bán bột chiên, hình như chúng dần dần bị hấp dẫn bởi cái mùi thơm thơm của những miếng bánh bột gạo bằng mấy ngón tay, đôi khi có những chỗ bị cháy cạnh, nâu nâu, đen đen, tô điểm bởi mấy lá hành thái nhỏ.
Cùng với năm tháng, các con tôi lớn dần lên và hầu như hàng đêm chúng đều mua cho bà hai đĩa bánh. Mới đầu tôi không quan tâm lắm, cũng không hiểu đó là loại bánh gì mà hấp dẫn chúng đến thế, riết rồi chính tôi cũng tò mò, sau những giờ ngồi làm việc, như thành thói quen, khoảng giờ ấy tôi thường mở cửa sổ ngó ra ngoài phố, y như rằng bà bán bột chiên lại rao từ đầu phố. Dường như đôi quang gánh hơi nặng hơn so với sức vóc của một người đàn bà gầy yếu, lưng bà hơi còng xuống chịu đựng, đi được một quãng, bà lại rướn cổ lên rao: "Ai bột chiên đây?". Rao xong hai mắt bà như đảo lên, lướt qua các cửa sổ xem có ai vẫy gọi, như thành thói quen, khi đến cửa nhà tôi, bà đứng lại rao vài tiếng khi chưa thấy các con tôi ra mua.
..Tôi nhớ có lần chúng đi cắm trại hay đi chơi xa gì đó mấy ngày, bà bán bột chiên đến cửa, đặt quang gánh xuống, rao gọi, không thấy gì, đợi một lúc, bà uể oải gánh hàng đi, hình như có tiếng thở dài mệt mỏi trôi ra phía sau lưng bà.
Những lần con tôi không có nhà sau đó, tôi thường xuống mua hai đĩa bánh và không thể quên nét mặt như rạng lên của bà, bà cám ơn và bước đi khỏe khoắn hơn, ngoái lại nhắc tôi đừng thức quá khuya tổn hại sức khỏe.
Một lần, qua nhà tôi chừng mươi căn, bà dừng lại đợi bán cho ai đó vừa gọi từ trong con hẻm cạnh ngôi nhà khang trang nhiều tầng, đúng lúc ông chủ nhà đánh xe hơi về đến cửa, coi bộ ông ta là một con người thành công trên chính trường.., từ giày dép quần áo xúng xính, cho tới khuôn mặt bóng căng, đến dáng đi khệnh khạng. Ông ta khó chịu khi thấy trước cửa nhà mình một gánh hàng nhếch nhác bên cạnh một bà bán hàng ngồi ngó nghiêng còn xộc xệch hơn, ổng lên giọng: "Ê, bà già, biến nhanh lên, đây không ai mua đâu, vướng cửa nhà người ta!" Vừa nói, ông ta vừa thô bạo xách đôi quang lên, gần như dằn xuống một cách hằn học sang khỏi phạm vi nhà mình làm cho mấy thứ gia vị trên mẹt vãi tứ tung. Cái quang gánh vô tình đã vướng vào vạt áo bà lão, kéo bà lão mỏng mảnh, gầy guộc xuống đường. Bà lão không nói gì, ngồi dậy phủi phủi áo, nhìn ông kia với một ánh mắt tha thứ, hình như mang chút thương hại, rồi quảy đi…
 Có lẽ bà sống bên khu lao động nghèo, không biết chồng con gia đình bà ra sao, mà đã nhiều năm rồi, đúng giờ đó như đã hẹn, bà lại có mặt? Có lẽ bà đông con? Có lẽ con cái bà cũng có những đứa đang học hành ở đâu đó bằng chính những đồng tiền bà nhặt nhạnh hàng đêm, nhẫn nại, không mệt mỏi từ bao nhiều năm nay như thế? Những đồng tiền lẻ nhầu nát, nhỏ nhoi, đôi khi nhom nhoem bởi đã qua tay bao người lao động, chậm chạp vào túi bà nhờ sự chăm chỉ sẽ mang lại điều có ích cho đời?
Không biết tuổi thơ của cái ông kia gắn với điều gì nhỉ? Liệu ông ta có biết chơi bi, đánh khăng..? Có biết mùi vị của bánh bột chiên? Ông ta sống ở đó lâu lắm rồi... Không biết ông ta có bao giờ chứng kiến những lần gánh bánh bột chiên không bán được vì trời mưa, vì khách hàng quen đi vắng? Liệu có ai nhận ra gánh bánh bột chiên hình như ngày càng trĩu nặng, rồi như đẩy bà lão bươn về phía trước, nhất là những đêm mưa gió?
Rồi một đêm dông dầm dề kéo dài chừng như bởi ảnh hưởng của cơn bão xa, gánh bột chiên còn đầy nặng hơn những ngày khác lôi bà lão đi qua phố nhà tôi,  làm bà bước đi tấp tễnh, chao đảo hơn, tiếng rao văng vẳng từ đầu phố rải dần, thưa dần, nhỏ dần, nhỏ dần rồi chìm vào màn mưa đêm cuối phố…
Thương thay, những lời rao đêm ấy là những lời cuối cùng, những đêm sau đó và rất nhiều đêm sau nữa, bà con hàng phố không còn nghe thấy tiếng rao bột chiên, vì sáng hôm sau người ta thấy thân thể cứng ngắc tím tái của bà ướt sũng bên gốc cây, có thể bà đã vấp phải vỉa hè do bước chân mệt mỏi, do gió mưa, do đuối sức. 
Một thời gian sau khi bà bột chiên chết có những ô cửa sổ vẫn mở ra lúc gần nửa đêm, nó mở theo thói quen hay để tưởng nhớ một linh hồn lương thiện đã đi trên đường trần thế một cách lặng lẽ lầm lũi nhẫn nại.. mà khi chết đi đem theo một bí mật.
Bí mật mà bà bột chiên tưởng đã mang theo xuống mồ đáng để viết thành tập truyện dài, thành pho tiểu thuyết..: BÀ CHÍNH LÀ MẸ ĐẺ CỦA CÁI ÔNG QUĂNG QUANG GÁNH CỦA BÀ đêm ấy
Thì ra trong vạn nẻo đường đời có một nẻo mà người mẹ luôn muốn đi đó là nẻo có thể dõi theo con mình, cho dù nó không còn là con thậm chí không thành người đi chăng nữa..!
Thời gian vô tình trôi… tiếng rao loang dần, tan dần rồi rơi vào quên lãng, vào cõi hư vô, cõi muôn trùng...

THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

 

9 nhận xét:

  1. Thương xót cho thân phận một người mẹ....

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đã đọc ! Cảm ơn nhà thơ !

    Trả lờiXóa
  3. That xuc dong, rat cam on nha tho...voi tu cach cua 1 nha giao duc!

    Trả lờiXóa
  4. Đọc xong truyện, lòng cứ thấy bùi ngùi....

    Trả lờiXóa
  5. Tôi đã viết truyện ngắn này trong 1 đêm cuối tuần (chính xác hơn là tôi nêu ý tưởng, cấu trúc, bố cục, bút pháp.. với một tri kỷ Văn Chương, Nàng mới là người chắp bút, định hình, chỉnh sửa và đánh máy) Khi đến từng chỗ cụ thể mà tôi băn khoăn, Tôi thường nói: chỗ này anh muốn là.. Ý anh là..
    Và thật bất ngờ đến kinh ngạc là khi tôi nói nên kết thúc đây cho gọn.. Thì chỉ ít phút Nàng đọc lại cho tôi nghe và tôi há hốc mồm.. không sửa một chữ nào.
    Viết vài câu này thay lời cảm ơn về Nàng trong sự thán phục..

    Trả lờiXóa
  6. Thật đau lòng , xót xa cho người mẹ .
    Cám ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  7. Trong cuộc sống có được những người bạn hiểu ý nhau thật hiếm có, đồng ý nghĩ lại càng quý hơn...xin chúc tình bạn tác giả chúc mãi trường tồn nhé Anh. Cảm ơn rất nhiều.

    Trả lờiXóa

Nếu muốn, bạn dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]