** Sau khi lần lượt đăng các mẩu chuyện trong tập: LÀN GIÓ
RONG CHƠI lên trang này, tôi muốn bạn bè "nghía" LỜI NÓI ĐẦU
của tập truyện do ông bạn tâm phúc từ thuở hàn vi giới thiệu:
THAY
LỜI TỰA
(lỜI NÓI ĐẦU của
GsTs Nguyễn Văn Hà cho tập truyện ngắn
LÀN GIÓ RONG CHƠI – Thi Yên Đình Nguyên
– NXB VĂN NGHỆ)
“Đọc một chuyện của anh thì sẽ muốn xem hết những chuyện
còn lại, giở những trang đầu ra thì chắc chắn phải gập lại ở trang cuối cùng”. Đó là nhận xét của
bạn bè khi nói về văn chương Đình Nguyên.
Tôi và THI YÊN ĐÌNH
NGUYÊN (Nguyễn Thiên Đình) là bạn bè từ thuở hàn vi “vừa là đồng khói lại đồng
hương”. Thời nay, nhân đi tây về có chai rượu chính hãng nổi tiếng dành uống với
anh, anh không chịu, đòi pha thêm rượu thuốc “tắc kè, bìm bịp”.
Đình Nguyên vốn từ một
nhà binh, nhưng được học và làm một nhà doanh nghiệp, tuy cũng ngang dọc, chứng
tỏ được mình trên thương trường, nhưng anh không toàn tâm. Anh nói: “Giữa thương trường, nếu chỉ dùng sức, trong
khi đối thủ đã gồng hết lực, lại còn trổ hết mưu mô thủ đoạn… thì hoặc là mình
cùng xuống thuyền, cùng mặc áo giấy, hoặc là ở trên bờ”. Anh luôn muốn: “mình là mình, làm chủ mình, không muốn làm
những việc để nhỏ mình đi.”
Ở Đình Nguyên có một
mảng gồ ghề góc cạnh, một chút riêng tinh nghịch, ngang tàng, một chút bi hài,
một chút ưu tư, một niềm kiêu hãnh và một tình yêu vị tha đầy tính nhân bản, đầy
bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc mà trước hết là nghiêm khắc với chính mình,
anh tự nhủ: “Chim hay tập bay là chim
cánh cụt, người hay tự ái là người có cá tính mạnh nhưng năng lực yếu.”
Thi Yên Đình Nguyên
đã trải lòng nhân ái cho đời và được đời bù đắp lại, anh có một chương trình, một
mô hình tổ chức cuộc sống hợp lý hài hòa. Cùng đi với anh là người bạn đời mà
“sinh ra là để cho nhau, vì nhau”, dẫu rằng bản tình ca nào cũng gồm những nốt
nhạc trầm và bổng mà thành.
Đình Nguyên hay đưa
người bên cạnh ra khỏi đời thường, ra khỏi những ưu sầu nhân gian để cười những
nụ cười đáng cười, kể cả cười với điệu cười thứ ba mươi bảy. Tôi nhớ mãi cái lần
rủ Đình Nguyên đến liên hoan vì mấy chuyện trong đó có cái gọi là tước hiệu:
“Gà sống Thiến sót - GsTs” như khẩu khí của anh, tôi chữa: “Chỉ là gà mái thôi”, Đình Nguyên lại
nói:
-
Mái
tơ càng ngon, nhưng làm ở nhà thì được, ấm cúng hơn, chứ tội gì đưa nhau vào
cái “rach…te lờ” (restaurant + hotel) cho khổ ra.
Vừa vào cửa, bất kể
khách khứa toàn là cỡ có sừng có mỏ, anh oang oang nói: “Càng nhiều tiền bạc lại càng ít nhân nghĩa, càng được công danh lại
càng mất đạo đức, tôi đến không phải để mừng ông mà mừng cho hai thằng con
trai ông, đứa nào cũng ngon lành.., còn ông, sui gia gì mà trốn hoài”.
Tôi cười trừ, anh
nói: “Cười gì mà cười, chuyện trăm năm của
con gái tôi, làm sao tôi cười được với ông, nhưng thôi, hôm nay cũng phải cố cười
cho nó vui chứ đâu phải vì vui mà cười”.
Không thể phủ nhận
trong anh dòng máu văn chương vẫn âm ỉ chảy, anh bộc bạch: “Chắc cũng như nhiều người, nếu có thời gian thì vẫn muốn thổi hồn vào
chữ, xếp chữ thành nghĩa để tặng cho đời”.
Đọc chuyện Đình
Nguyên viết, thú thực ban đầu tôi hơi “bị” bất ngờ vì sự hấp dẫn cuốn hút, càng
đọc càng muốn đọc, tôi hiểu Đình Nguyên là người coi trọng giá trị tinh thần,
anh muốn chuyển tải một thông điệp, một mong mỏi: Con người cần sống “người”
hơn, xứng đáng hơn.
Anh đã biết dùng
cách của riêng mình để gõ vào nơi trầm sâu nhất của cõi lòng nhân thế, để văn
chương mãi mãi là văn chương.
Cũng nói về tình
yêu, nhưng tình yêu của Đình Nguyên không cùng tuýp với… “Anh là chim bói cá, em là ánh trăng ngà, chỉ cách một mặt hồ, mà muôn
trùng chia xa” mà lại là…..: “Anh giữ
là giữ cho nàng, còn anh thân trai như cánh chim trời…”
Cũng ca ngợi tình mẫu
tử nhưng tình Mẹ trong anh thật Đình Nguyên: Chỉ chiếc bóng gầy đổ trên đường
trần, chỉ đôi vai gầy… đã làm tôi nhớ lại bốn câu thơ anh đọc trong bữa giỗ Mẹ
anh:
“Nhớ Mẹ lom khom gốc
cây cau
Nhặt lá trầu vàng để
têm trầu
Dành lá còn xanh ra
chợ bán
Một liền đâu được mấy
xu đâu”.
Mọi người yêu cầu
anh đọc trọn bài, rồi có người không cầm được nước mắt, tôi cũng vậy, bảo anh gửi
đăng, Đình Nguyên nói: “Bài này thì
không…, có những cái riêng chỉ muốn giữ lại trong lòng”.
Vậy đấy, nói về Đình
Nguyên khó mà dứt ra được, xin để tác phẩm của anh tự chứng minh điều đó.
Làn gió thoảng tình cờ đưa hương đời bay qua hai thiên
niên kỷ, chẳng màng đã để lại đằng sau một dấu ấn vô hình, cũng không vì chuyện
đi vào sử sách…
Phải chăng “tí chút duyên tơ hơi muộn mằn của một cánh
chim chiều vốn có máu rong chơi.”
GsTs Nguyễn
Văn Hà
Hiệu trưởng Đại Học
Ngân hàng
THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu muốn, bạn dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]