Links - Liên kết dến các trang Website. Blogspot, fb, chuyên trang thơ THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

18 tháng 3, 2010

** Lòng Tự tôn Dân Tộc VN đâu?

Vì sao người Việt thích giả người nước ngoài?
Người Việt đi nước ngoài. ở nước ngoài – họ là ai?

Thời thuộc Pháp rất ít người Việt (nv) có dịp đi nước ngoài (nn): một bộ phận thuộc thành phần nhà có tiền bạc cho đi du học họ là trí thức, nhiều người trong đó trở thành nhân sỹ trí thức yêu nước…
Sau thời Pháp nhiều GĐ thân Pháp rời vn sang Pháp định cư
Thời Mỹ, nhiều người di tản, xuất cảnh, vượt biên sang định cư ở khá nhiều nước, phía bắc thì đi học tập, xuất khẩu lao động, đi buôn bán kiếm kế sinh nhai… vv và …vv, thành phần là rất xô bồ: tử tế có, vô học có…
Gần đây, có không ít người đi du lịch cho biết đó biết đây, họ tự nhận là đi “giải ngố”, một số khác là loại có chức quyền đi dưới dạng “công tác”… nhà nước cho “đi học” để mở mắt ra, đi một ngày đàng học một sang khôn mà…
Nói chung nv ở nn có thể gom lại trong 3  nhóm:
1) nv phản đối chế độ, xung đột với cộng sản (gồm đủ thành phần)
 2) loại có chức quyền (mà rất nhiều trong số đó “lý lịch rõ ràng” tức là xuất thân từ giai cấp lao động nghèo không có nền tảng, bề dày giáo dục)
3) nv đi nn để kiếm tiền..
Có vô số những chuyện bi hài đến mức mất hết nhân cách, không có lấy một mẩu nhỏ lòng tự tôn dân tộc trong tuýp chuyện nv đi và ở nn…
                                                                TYDN
Nhục nhã khi nhà hàng Việt từ chối phục vụ người Việt,
nói cười hô hố... chỉ có thể là người Việt!
Trên báo gần đây có đăng một loạt các bài viết liên quan tới thói hư tật xấu của người Việt như: "Nói cười hô hố… chỉ có thể là người Việt!", "Xấu hổ vì tri thức Việt cũng tham ăn tục uống", "Thói hư tật xấu của người Việt ra nước ngoài bị khinh lắm", "Nhục nhã khi nhà hàng Việt từ chối phục vụ người Việt", "Nỗi buồn người Việt phải giả danh thành người Nhật"... Mỗi bài đều có lý luận riêng và đưa ra những thói hư tật xấu mà đại đa số người Việt đều mắc phải.
Cách ứng xử trong nước, trong một môi trường mà những người xung quanh cũng như vậy khiến cho nhiều người Việt không nhận thức được chính thói hư tật xấu của mình. Chỉ cho tới khi họ đặt chân ra nước ngoài, chứng kiến những nền văn minh khác và phát hiện ra sự thật đau lòng rằng khi họ thừa nhận họ là người Việt Nam, họ bị đối xử không công bằng như những người khác, thậm chí là bị "khinh miệt".Ở trong nước, người Việt khi ra đường thì bất chấp luật lệ, phóng nhanh vượt ẩu, xả rác bừa bãi, hồn nhiên chửi tục, nói bậy. Người tốt thì sợ người xấu kiểu "tránh voi chẳng xấu mặt nào" nếu không mang vạ vào thân. Có nhiều vụ tai nạn, đánh nhau mà người qua đường ái ngại, chẳng ai muốn can.
Người Việt vào nhà hàng thì hạch sách, nhiễu nhương, nhậu nhẹt kề cà, say sưa bí tỷ. Uống rượu bia quá chén là vào toa lét xả bừa bãi. Hứng chí lên thì gõ đũa, gõ bát, hát hò tùm lum: "Zô... zô...", những tiếng hô đồng loạt bạn cứ thử vào bất cứ quán nhậu nào cũng có. Vào quán ăn, ăn xong nhìn sang bàn bên cạnh thấy họ cũng vừa ăn xong, họ xì mũi rõ to xong rút giấy ăn lau mũi rồi vứt vào bát. Cái cảm giác ấy chỉ muốn... ôi thôi buông đũa rồi "té".
Nhiều người Việt ra nước ngoài cảm thấy vô cùng xấu hổ khi chứng kiến cách đối xử của người nước ngoài với những người cùng quốc tịch mình ngay cả khi ở trong nước, chính bản thân mình cũng giống như họ. Nhiều người bày tỏ quan điểm cho rằng khi nhận mình là người Việt Nam, họ không được đối xử công bằng như những nước khác, còn khi nói họ là người Hàn hoặc người Nhật thì lại hoàn toàn ngược lại. Tôi có đọc câu chuyện của tiến sĩ Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ về năm câu chuyện liên quan tới tính xấu của người Việt Nam khi ra nước ngoài và thực sự cảm thấy điều đó là đúng. Trên thực tế, việc người nước ngoài nhìn nhận và đánh giá chúng ta không cao cũng là điều dễ hiểu.
Chuyện thứ nhất: "Một lần, tôi có mặt trong một đoàn công tác, được đối tác mời đi làm việc tại Hàn Quốc, khách sạn nơi chúng tôi ở là khách sạn 4 sao nằm ở đông nam thủ đô Seoul, tương đối xa, và lại ở thời điểm đấy nên tôi nghĩ chắc không có khách Việt Nam ở đây. Một lần, tôi và anh bạn đi thang máy từ tầng hầm lên tầng 6, nơi phòng chúng tôi ở. Trong thang máy chỉ có hai anh em nên chúng tôi nói chuyện thoải mái, khi cầu thang dừng ở tầng hai, có 4 người khách vào thì chúng tôi không nói chuyện nữa và cứ nghĩ họ là người Trung Quốc.
Trong cầu thang, họ nhìn chúng tôi bằng con mắt không mấy thân thiện mặc dù họ biết chúng tôi nói chuyện bằng Việt. Lên tầng 5, họ ra khỏi thang và nói chuyện với nhau bằng tiếng... Việt. Lúc đó, tôi thực sự ngạc nhiên. Nếu tôi là người vào sau nghe tiếng và biết họ là người Việt thì tôi sẽ hỏi ngay: 'Ơ xin lỗi, các anh đến đây lâu chưa?". Tôi cứ nghĩ mãi không biết tại sao?"
Chuyện thứ hai: "Lần khác, tôi làm trưởng đoàn đi công tác Thái Lan. Vì đã đi nhiều lần nên tôi dặn anh em rất  kỹ, từng chi tiết một: ăn ở, sử dụng  thiết bị sinh hoạt... Khi đến khách sạn thì họ bố trí sẵn tôi và anh bạn phiên dịch ở tầng hai, còn anh em trong đoàn ở tầng 17, chúng tôi lên phòng và chờ nhân viên lễ tân mang đồ lên.
Mệt nên ai cũng nằm nghỉ, phiên dịch cũng kịp thông báo cho mọi người cách sử dụng thiết bị, danh sách phòng và điện thoại... Không thấy tạp vụ mang đồ lên nên anh bạn phiên dịch gọi xuống lễ tân nhắc chuyển hành lý lên, họ nói chờ chút xíu vì đã chuyển. Chờ mãi không thấy nên chúng tôi đi ăn cơm ở tầng 21, khi gặp mọi người, không thấy ai nói gì, khi xuống dừng ở tầng 17 để anh em ra thì thấy đồ của tôi và anh bạn vứt chỏng trơ ở hành lang, ngay trước cầu thang mà ai cũng biết của ai vì đều ghi cụ thể họ tên. Thật buồn! Chắc họ nghĩ tôi và anh bạn phiên dịch được ưu ái hơn nên "cho mày chết". Nhưng còn buồn hơn là chuyện ăn uống.
Khách sạn phục vụ buffet, tôi cũng dặn anh em rất kỹ: có rất nhiều món ăn và có món không hợp nên hãy đi một vòng tìm hiểu, sau đó lấy dần nếu ăn hết thì lấy tiếp, cực hạn chế để thức ăn thừa. Không! Họ đâu có nghe 'cứ đánh thẳng vào trung tâm', lấy thức ăn bạt mạng. Có ông ăn xong chơi hẳn một đĩa hoa quả to, ba người ăn không hết. "Miếng ăn là miếng nhục", họ đâu có đói khát mà vấn đề là văn hoá. Cái giá trị phi vật thể nó kết tinh từ nghìn năm đọng lại trong mỗi con người Việt.
Một số anh em xấu hổ quá! Tôi tiếp tục nhắc nhở nhưng sau họ vẫn thế, cứ như cái chợ. Thật buồn, sau đó, tôi và một số người đi ăn, cố ngồi thật xa đám người "đồng bào" đó, sợ họ biết mình cùng đoàn. Dù hành động như vậy là không phải nhưng xấu hổ quá, đành vậy. Và tôi chợt nghĩ phải chăng khi ở Hàn Quốc, mấy ông người Việt không muốn chào hỏi làm quen chúng tôi bởi cũng sợ như vậy?".
Chuyện thứ ba: "Vài năm sau, Tôi có một chuyến đi công tác tại Đài Loan, trong chuyến tham quan làm việc, đoàn chúng tôi có ghé thăm hồ Nhật Nguyệt, một thắng cảnh đẹp ở miền trung Đài Loan. Sau khi thăm các ngôi chùa, chúng tôi đi vào các cửa hàng mua đồ lưu niệm và đặc sản địa phương. Tôi vào sau và chứng kiến một chị trong đoàn mua nhung hươu của một cô gái bán hàng người Việt, quê ở Sa Đéc. Chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên vì chỗ này rất hẻo lánh mà lại gặp người Việt, được nói với nhau bằng thứ tiếng của cha ông
Cô gái nói chuyện lấy chồng người Đài Loan và bán hàng được 3 năm, cũng nói: 'Em bán hàng ở đây nhưng hầu như không mấy gặp được người Việt nên gặp các anh, các chị quý hoá quá!'. Cô ta có một cô em gái khoảng trên 20 trông rất xinh, mũi cao, mặt trái xoan, có thân hình rất đẹp... cũng bán hàng nên cả đoàn đều xúm vào tán chuyện.
Khi tôi vào, thấy cô chị nói: 'Ở đây em bán 100 USD một lạng nhưng gặp đồng hương, em chỉ lấy giá vốn 70 USD. Sau đó họ thống nhất là 200 USD cho 3 lạng, ai cũng nghĩ đó là thật và tình cảm. Sau đó, hai chị em cô gái bám chặt lấy chị mua hàng, không cho chị tiếp xúc với ai cho đến khi tiễn lên cửa ô tô. Tôi và một số anh em khác sang một số quầy hàng khác, thật ngạc nhiên: nhung hươu đúng hệt như vậy, người bản xứ, họ bán cho chúng tôi 25 USD một lạng, chưa mặc cả.
Tôi vội nhắc anh em: "Tôi và chị ấy đã mua rồi, lên xe đừng nói cho chị ấy biết, không có 'đêm lại không ngủ được'". Có lẽ đến bây giờ chị ấy vẫn tưởng mình mua được nhung "ngoại" giá hợp lý. Biết nói thế nào đây nhỉ? Người Việt như vậy có nhiều không? Đi nhiều tôi biết rất tiếc rằng nó lại không phải là thiểu số.
Chuyện thứ tư: "Khi tôi ở Canada và Mỹ, ra đường liên tục phải chào 'Hi', 'Hello', phải cười, nhiều khi phải giơ tay đáp lễ. Nhất là đi bộ tập thể dục, từ xa họ đã cười, giơ tay chào. Con người nhìn nhau với ánh mắt thân thiện, tôn trọng. Nhưng cái văn hoá đó không thấm vào người Việt dù họ ở nước ngoài ba bốn chục năm. Người Việt gặp nhau vẫn "làm ngơ".
Đi siêu thị, tôi biết người bán hàng và người mua đều là người Việt, họ vừa nói với bạn bè bằng tiếng Việt, thế mà khi mua, bán hàng thì họ nói với nhau bằng tiếng Anh mà thực tế tôi biết trình độ tiếng Anh của họ cũng chỉ để mua hàng thôi, dù đã mấy chục năm ở nước ngoài. Hình như họ sợ mình là người Việt và sợ hơn nữa là quen với người Việt".
Ảnh: Airwingslimo.
Chuyện thứ năm: "Tôi đến các sân bay Mỹ, khi cần thông tin và nếu được đề nghị giúp đỡ, người dân Mỹ rất tận tình, chu đáo. Một lần khi đến Sacramento, cần có điện thoại báo tin cho người bạn đến đón. Tôi đã gặp và làm quen với một chị người Việt. Để làm quen, mặc dù biết xong tôi vẫn giả vờ nói 'xin lỗi chị, bạn tôi đến đón tôi mà tôi không biết chỗ này là chỗ nào, xin hỏi chị chỗ này gọi là gì?'. Mục đích là để chị ấy biết tôi là người Việt, ăn nói lễ phép đàng hoàng.
Chị ta trả lời: 'Chỗ lấy hành lý'. Tôi hỏi tiếp: 'Xin lỗi chị, điện thoại của tôi không roaming nên tôi có thể nhờ chị gọi dùm cho anh bạn đi đón ở đây không?'. Chị ta ngần ngừ, người đi đón chị ta, có lẽ là chồng nói luôn 'không được'. Tôi nói luôn: 'Vâng, xin cảm ơn anh' và hỏi luôn anh bạn người Mỹ đứng đó, anh ta vui vẻ đồng ý ngay, chị ấy nhìn tôi với ánh mắt ngượng nghịu. Sao thế nhỉ? Tại sao người Việt lại đối xử với nhau như vậy nhỉ, có phải văn hoá không? Đúng đấy, nó lại là văn hoá, cái thứ vô hình đẩy nó thấm vào mỗi con người, mỗi dân tộc".
Câu chuyện thứ nhất có vẻ bình thường và không phản ánh nhiều những thói hư, tật xấu của một bộ phận người Việt. Tuy nhiên, những câu chuyện tiếp theo lại đánh trúng vào điểm yếu trong văn hóa của ta. Có lẽ, đã đến lúc một bộ phận người Việt nên nhìn thẳng vào vấn đề và sửa đổi, đồng thời cần phải tuyên truyền, giáo dục, xây dựng nếp sống, văn hóa ứng xử để khi ra nước ngoài không phải tự nhận là người nước ngoài!


1 nhận xét:

  1. DA DEN LUC NGUOI VIET VIET CAN SUA DOI VA LONG TU TON DAN TOC PHAI DUOC TON VINH. BAI NAY KHOI GOI Y THUC VE LONG TU TON DAN TOC . HAY LAM ANH.

    Trả lờiXóa

Nếu muốn, bạn dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]