ĐỨA CON TRỜI ĐÁNH
Bà lão đã ngoài tám mươi , cái tuổi mà nhiều người đã về với tổ tiên, về với cát bụi, còn bà chắc có điều gì đó ở dưới dương trần chưa làm xong, chưa trả được nên bà cố nấn ná chần chừ không dám dứt áo ra đi vì sợ quỷ sa tăng sẽ bỏ ngay vào vạc dầu sôi trong lửa địa ngục. Bà vẫn sống, thở hổn hển khó nhọc, ngực đập thoi thóp. Bà thường ngồi trên chiếc nghế đặt ở ban công, mắt đờ đẫn xa xăm mơ hồ, đầu óc lơ đễnh nhìn mọi thứ xung quanh. Lũ cháu xem bà đã lẩm cẩm, ngớ ngẩn, chúng đâu có hiểu rằng bà lão đang lần về quá khứ cuộc đời bà những ngọt bùi cay đắng, buồn vui đau khổ và hạnh phúc, bà đang cố nhớ xem mình đã làm gì không phải: mất đạo đức, vô lương tâm, bà sợ bà ăn mặn để con cháu ‘khát nước, bà cầu mong cho chúng sẽ may mắn, tránh được những đòn trừng trị của trời đất. Chiếc ghế ở ban công như dành riêng cho bà ngồi để cầu nguyện, để thanh minh với trời thần lúc nào cũng đúng trước mặt bà mà chỉ bà mới nhìn thấy được. Đã mấy lần quỷ sứ muốn xốc nách bà đi, bà cũng đã để yên, không kháng cự, nhắm măt xuôi tay, trái tim mệt mỏi, uể oải đập rời rạc yếu ớt. Nhưng may cho bà, mấy vị thần đứng bên đã giơ tay ngăn họ lại, muốn nghe bà tấu trình để xem trong đó có những gì là thấu tình, đạt lí.
Bà là một con người bình thường, lớn lên trong khó khăn, nghèo đói, vất vả, cực nhọc, lam lũ quá sức mình. Lúc còn bé bà cũng như đám bạn bè làm đủ chuyện không tên, trong đó gần như ngày nào cũng vượt qua cánh đồng nhỏ sau làng để vào dãy đồi trọc chặt những cành củi lá gánh ra chợ bán lấy những đồng bạc cắt quý giá. Hôm nào có ai đó đốt rừng ,tuy phải đi xa hơn nhưng chặt được những cây củi to phải bằng ngón chân cái cao lút đầu người, những lần như vậy người làng đổ đi đông hơn tranh dành nhau cả khi ngọn lửa đang cháy hừng hực, cây tươi chặt ra nước chảy xèo xèo. Họ đâu kể hơi nước bốc lên cùng mọi thứ than khí đôc hại. Những bàn chân trần chai sạn dẫm đạp lên tro than còn đỏ khói mù mịt họ còn chưa coi ra gì nũa là, họ cố chặt hết vì nếu để đến hôm sau sẽ chẳng có phần mình nữa, khi lòng tham quá sức họ mới thấy cảnh cười ra nước mắt, bỏ thì thương vương thì tội, họ phải gánh những gánh củi to gấp mấy lần mình, lần mỏ dò dẫm xuống tới cánh đồng thì sức tàn lực kiện, đứng thở dốc, gánh củi nặng oằn vai, vẹo cả cột sống trông họ giống như những con rắn dựng đứng di động trên đường về làng mà bà lão là một con trườn trong đó.
Lớn lên lấy chồng, nhiều chục năm vừa làm dâu vừa nuôi một bầy con cái đã làm cho bà lão hiểu về cuộc đời, biến bà từ một cô gái hồn nhiên chân thật thành một kẻ khôn ngoan, tính toán, biến những nụ cười vô tư thành những cái nhếch mép buồn bã gượng gạo, biến cặp mắt long lanh linh lợi thành cái nhìn lơ đễnh uể oải và chậm chạm, biến cái dáng đi thoăn thoắt tung tăng thành những bước chân nặng nề, khó nhọc, biến những ước mơ cao thượng thành những việc làm tầm thường vị kỉ và thấp hèn.
Thế rồi một hôm khi bà lão đã ở cái tuổi bảy mươi tám thì thằng con trời đánh xuất hiện trước mặt bà, nó là đứa láu cá nhất nhà, nó ma lanh và bất trị nhất làng. Ngay trong anh em, nó vẫn danh được phần nhiều hơn, nếu thấy chút thua thiệt là nó giãy lên đành đạch. Trâu nó ăn lúa người ta, nó liền lùa trâu đứa khác xuống và đưa trâu mình dông mất. Nó đi chặt củi cùng chúng bạn gánh ra bán ở chợ, bao giờ của nó cũng được giá hời nhất, mặc dù củi nó xấu nhất, ở giữa bó nhét toàn dây rợ lằng nhằng đun không cháy.
Nhà nó vốn là dân trèo đò nhiều năm không một tấc đất cắm dùi ngày tháng lênh đênh, chổng mông mò mẫm vài con tôm tép sò hến hoặc chở dân làng qua lại đôi bờ. Hình như đó cũng là điều ám ảnh nó: cuộc đời không thoát khỏi kiếp lang thang, chòng chành sẽ vận vào.
Nó bỏ đi vì không cam chịu mãi cảnh khổ cực, vất vả; tuy tuổi đã khá nhưng người vẫn quắt queo, gầy đét, đen nhẻm ốm yếu. Nó ra đi trong bộ quần áo thâm bạc vá chằng vá đụp, bàn chân trần không dép guốc, chỉ có ý nghĩ lăm lăm trong óc nó là đáng kể: “Người như nó phải sống được ở đời, nó phải thành công, dân làng hãy chống mắt xem ngày nó trở về ”.
Mà thật, sau bao nhiêu năm mất dạng, đến gần tuổi năm mươi nó trỏ về trong chiếc xe hơi sang trọng, nó chia quà cho tất cả mọi người trong nhà, toàn là những thứ đáng giá, nó đua từng xấp tiền cho chị em đi chợ, tưởng chừng vét hết thực phẩm của cả cái chợ vùng quê hôm đó. Giọng nó cứ sang sảng, nó nói như những người có học, những người hiểu biết, nó luôn miệng cười than thiện dầy vẻ chan hòa độ lượng, nó cúi nâng cằm vài đứa bé đang được mẹ chúng bế trên tay hôn chùn chụt. Nó đã chinh phục cả gia đình dòng họ. Nó yêu cầu làm bữa liên hoan mời cả làng, cả xã, nó lôi trong xe ra đủ thứ bia lon, rượu ngoại sợ ở nhà không có, nó diễn thuyết tràng giang đại hải toàn chuyện tây tàu, chuyện đường lối chính sách, chuyện chính phủ, nó đã làm mọi người lác mắt về sự hiểu biết cao rộng và uyên thâm của nó. người thì khen sao ông ấy nói chí lí thế, kẻ thì nể điệu bộ lời ăn tiếng nói sao mà lưu loát hấp dẫn đến thế… Nó còn đi cùng chức sắc địa phương chỉ trỏ nơi này nơi kia và nó hứa mở một chi nhánh tại quê hương để thu hút con em vào ổn định công ăn việc làm, chỉ riêng điều đó đã đặt nó lên sự kính nể của những chúc sắc có mặt bên nó.
Khi mọi người đã về hết, chỉ còn lại người nhà, nó cung kính đến trước bà lão, nó nói trong nước mắt lã chã:
-Thưa mẹ, con là đứa bất hiếu, bao nhiêu năm con bỏ mẹ, không giúp đỡ phụng dưỡng gì được, mong mẹ tha thứ cho con. May trời cao có mắt, con còn được gặp mẹ trong cái ngày đã thực hiện được lời nguyền, từ nay con sẽ lãnh phần săn sóc mẹ để các anh chị em con được nghỉ.
Nó quay sang những người đứng xung quanh nói có vẻ thành tâm:
- Nay tôi đã thành công, đã có điều kiện rồi, mong các anh chị các em cho tôi được chuộc lại những gì khiếm khuyết đối với mẹ, người cùng với với cha đã trao phúc đức của tổ tiên cho chúng ta.
Thực ra nó chỉ muốn nói vài lời trước mọi người để chứng tỏ mình là người con có hiếu, vậy thôi. Không ngờ chuyện lại hoàn toàn khác đi, viêc nuôi dưỡng bà lão lâu nay đang là một gánh nặng, là nguyên nhân của những cuộc cãi cọ lục đục nhau của đám con cái, nay như những kẻ chết trôi vớ được gậy, mọi người đã đẩy nó vào tình thế không lùi lại được là: “Nó phải đưa bà lão đi để cho bà hưởng chút sung sướng trong những năm tháng cuối đời mà chỉ có nó mới làm nổi”.
- Thế là quá tốt rồi chú bảy ạ - một người nói, những người khác phụ họa theo.
Chỉ có bà lão là không nói gì, có thể bà buồn do phải xa cách nơi sinh ra và gắn bó cùng nhiều sướng khổ, kỉ niệm, nơi có những người bạn già ngồi nhai trầu kể chuyện thế thái nhân tình, có thể phải xa những nấm mồ cha mẹ, tổ tiên ông bà, mồ chồng bà đang ngày ngày càng chìm vào lòng đất, chẳng ai nhang khói vì con cháu còn mải kiếm tiền.
Hay cho bà vì bà là mẹ, bà hiểu thằng con trai hơn ai hết.
Cái ngày bà lão lên xe hơi rời bỏ quê hương đi với thằng con trai để đến một thành phố đông đúc nhộn nhịp, bà con họ hang đến xúm đến vui như hội, cười nói ồn ào ấy, không ai nghe thấy thằng con bà lão cứ lầm bầm hoài: “Chém cha cái bệnh sĩ, mày đã làm tao khổ nhiều lần rồi con ạ, tao nói là để nói chứ đâu phải để làm thiệt”.
Linh cảm như mách bảo bà lão có điều gì đó không ổn, không hợp với bà, bà thấy buồn vô hạn, bà muốn được ở lại dù có chết cũng chết tại quê hương. Nhưng bà muốn cũng đâu có được, những dúa con khác cứ đẩy bà lên xe: “Mẹ đi mà hưởng chút sung sướng, khổ cả đời rồi còn gì”.
Khi xe đã chuyển bánh, con chó vẫn nằm dưới gầm giường bà lão nhìn theo người chủ của mình , mồm rên ư ử, hình như nơi mắt nó ứa ra những giọt nước.
Dòng đời vốn trắng đen lẫn lộn, cộng với sự bấn loạn ngổn ngang xào xáo của những năm tháng chiến tranh, kết quả là con bà lão có ngày hôm nay.
Bà lão như bị giam cầm trong bốn bức tường cho bà nằm, cuối cùng phải kê ngay sau bộ xa lông tiếp khách vì không thể kê trong buồng thằng con, càng không để trong phòng hai đứa cháu gái. May mà nhà có chút ban công để được cái ghế dựa cho bà ngồi suy ngẫm. Bà để ý những người giao du với nó không thấy ai là thầy giáo, là bạn bè chí cốt thân tình,mà thường chỉ có hai loại: một là những kẻ khúm na khúm núm, nịch bợ, miệng cười nhăn nhở, mồm luôn tán dương, vẻ thán phục lễ phép, lưng khum khum, chân chùng chùng, mắt lấm lét, điệu bộ khép lép giữ gìn, cùng đến với họ cùng nhiều quà cáp. Nhiều người trong số họ khi biết bà lão là mẹ của xếp chúng, chúng xà tới thăm hỏi, tặng bà những loại thuốc quý hiếm, luôn mồm khen cụ có tướng trường thọ, phúc hậu và đức độ, trách gì cụ đẻ được vị “chúa” đầy kính trọng để chúng “thờ”. Nghe chúng nói, thỉnh thoảng bà lão buột miệng: “thế à!”. Bà cảm thấy tởm lợm buồn nôn.
Thằng con bà thì hể hả, đắc chí khi mời mẹ nó những thứ người ta mang đến biếu, ý chừng để cái thân già thấy nó cũng đáng mặt ở đời lắm lắm.
-Bà già xài đi , thân bà tám mươi mấy năm trời dễ đã một lần được sờ vào những thứ này, có đúng không? Nó nói giọng đằng hắng trịnh thượng.
Bà lão thở dài, cổ họng nghẹn đắng.
Loại người thứ hai nó giao thiệp đó là cấp trên của nó, các xếp nó. Mỗi lần có cú điện nào mà giọng bên kia ồm ồm là nó trở sang thái độ rối rít dạ dạ từng tràng dài, người nó co rúm lại nhỏ thó như một con mèo hen, như một đứa bé phạm lỗi, trông cũng phải tội nghiệp. Vài lần nó rước được mấy ông đi đứng khệnh khạng về nhà là nó lăng xăng, lung túng đến mắc cười, lúc này nó lại y như loại người thứ nhất mà nó giao du. Có lần, lúc chạy vô chạy ra mải o bế người khách, nó đã đá vào bà lão té lăn chiêng, bà phải tự lồm cồm bò dậy men ra ban công ngồi vào chiếc ghế của mình, lòng bà xót xa đau thắt lại,bà thở dài mệt nhọc ngao ngán và đắm mình trong suy tưởng, bà khẽ gọi tên chồng mình, không ai hiểu bà lão đang nghĩ gì… Có lần nó bực bội chuyện ở cơ quan, mặt hầm hầm một đống, nó chì chiết đay nghiến bà, chồng bà, nó nguyền rủa cả tổ tiên, giọng nó nghe còn chối tai hơn những mụ hàng tôm hàng cá, nó than thở nếu không là con của nhưng bị thịt vô tích sự thì đời nó đã khác nhiều, nó trách móc bà lão đủ điều, theo nó thì vợ chồng bà chỉ nặn được cái bản mặt hãm tài của nó, ngoài ra không để lại cho nó một thứ gì gọi là có với thiên hạ.
-Đồ súc sinh, tao để đức lại cho mày thằng chó ạ.
Bà lão không còn kìm được nữa, mắt bà long lên đầy sinh khí và quyền lực:
-Mày tưởng mày được như ngày hôm nay là do những mách khóe thủ đoạn ba que của mày hay sao? Mày không gạt được người đời mãi đâu con ạ.
Bà lão nói trong cơn giận tụt độ, hai thái dương bà giần giật, toàn than run bắn lên, mồ hôi vãi ra như tắm, môi bà mấp máy như còn muốn nói nhiều nữa, nhưng có thể bà thấy là vô ích, bà trừng trừng nhìn thằng con trai hồi lâu cho đến khi đợt sóng sinh lực cuối cùng trong người bà dần dần xẹp xuống, thân thể bà cũng teo tóp nhăn nhúm trông thật thảm thương.
Kể từ đó, bà lão không bao giờ nói nữa, bà hoàn toàn câm lặng, hoàn toàn sống trong suy tưởng, bà thấy nhói lên nơi ngực trái, tấm thân già còm cõi vặn xuống, chới với, rồi mê man đi, bà muốn chết nhưng trời chưa cho bà chết.
Bà lão không còn đủ sức và sáng xuốt để hiểu mình đã mắc tội gì : “tội làm người ư”? hay tội của bà là đẻ ra đứa con này. Bà mơ màng thấy quỷ sứ hiện đến kéo bà đi nhưng lại có bàn tay ai đó ngăn lại.
Bà lão vẫn sống, vẫn lui cui một mình trong căn nhà trống vắng, thỉnh thoảng chỉ có tiếng chân mèo hoang bước rón rén rình lũ chuột đang chí chóe nơi chạn thức ăn thừa mứa trên ngăn bếp. Con dâu bà còn mải đi làm, mải đi tập thẩm mỹ để hòng cái tuổi bốn mươi mấy về thời con gái, đẩy những nếp nhăn ra khỏi khuôn mặt dã bở ra như bã sình bắt đầu khô hết nước. Hai đứa cháu gái bà mải đến vũ trường, đến bể bơi để khoe những cặp đùi của chúng với đám bạn bè cùng cảnh có lắm của thiên đang cần vứt về trả địa, chúng nó đang phải đi học “tiếng anh” vì theo chúng bây bây giờ chẳng có anh thì cũng chẳng có em.
Bà lão thấy mọi sự như nhòe dần đi, tan vào xa sôi, đã lâu rồi bà nghe, bà nhìn những gì xảy ra xung quanh bằng linh cảm chứ không phải bằng tai mắt nữa, bà như thấy các cháu đã về đến cầu thang, tiếng bước chân , tiếng cười nói vẳng vào lòng bà, bốn năm đứa chứ không phải hai, chúng quấn lây nhau cuông nhiệt, hơi nóng từ cơ thể chúng phả ra tới chỗ bà cùng mùi bia rượu, mùi dầu thơm. Thỉnh thoảng con Hạnh ré lên như bị cù vào chỗ nhột, trong khi con Phúc lại cười rúc rích. Chợt một đứa bạn cháu bà nhận ra bà lão nằm trên giường mà chúng vẫn tưởng là tám giẻ rách, chúng ra hiệu cho nhau giữ ý, nhưng chính cháu bà lại toe toét nói:
- Ôi tưởng gì chứ ngại bà già ấy à, bà không biết gì đâu, ta cứ tự nhiên. Một thằng tiến về phía bà lão xòe bàn tay huơ qua huơ lại trước mắt bà như để kiểm tra cho chắc ăn, rồi cả bọn cười ầm lên như bọn điên, chúng mở nhạc cuồng loạn, thi nhau nhảy nhót uống bia.
Có lẽ cái tai bà lão sinh ra không phải để nghe những âm thanh có tần số cao như những bản nhạc chúng mở, hay bà đã bước một nửa người sang bên kia cuộc đời lên bà chỉ mang máng nghe được tiếng thở gấp gáp, hổn hển, những tiếng nói thì thào trầm thấp xen lẫn tiếng ì oạp nhóp nhoép như ai đó lội giữa sình lầy.
Bà lão đang cố đưa nốt nửa người còn lại về nơi thiên cổ, như con giun dã chui được phần đầu vào lỗ đất, bị ai đó lấy que chận lên mình, phần đuôi còn lại đang quằn quại vật vã tìm cách chui theo nốt.
Tiếng ộp oạp cứ vỗ vào tai bà, tuy mơ hồ xa xăm nhưng vang động dữ dội vào nơi tận cùng sâu thẳm của khối óc, nó như thôi thúc cái tâm hồn đã héo úa kia cố chui nhanh thoát khỏi kiếp làm người, thoát càng xa khỏi căn phòng các cháu bà, nơi phát ra những tiếng động ấy.
“Các cháu bà” bà lão muốn nhếch mép cười. Thật mỉa mai: Hạnh, Phúc là hai đứa con riêng của cô vợ mà con trai bà hằng yêu quý, cưng chiều, trong một lần tình cờ bà lão đã biết được bí mật đó. Bà thấy làm lạ là thằng con lõi đời của bà lại chẳng có biểu hiện gì là khổ đau, dằn vặt “chẳng lẽ nó không biết chuyện hay chăng; chắc nó biết phải chấp nhận vì suy cho cùng nó đã làm cho thiên hạ ngậm đắng nuốt cay vì nhiều chuyện khác”
“Khốn nạn cho thân nó quá”
Du sao về điều này, bà thấy thương thằng con trai bà vô hạn, tình thương mang một chút vị kỉ, tình thương của cõi lòng người mẹ, bà thấy buốt từ tim lan dần, trào lên bao trùm tận óc, sâu vào tận xương tủy: rồi như có vật gì đó đen ngòm nặng như một trái núi đè lên bà, nghiền bà tan biến vào hư không.
Hôm ấy, khi thằng con của bà lão về tới nhà trong sự thất vọng, ê chề vì đường danh vọng của nó đã hoàn toàn kết thúc, đã chấm hết, có thể nó sắp bóc lịnh dài hạn, thì bà lão cũng về với tổ tiên.
Trái tim mệt nhọc của bà lão đã thôi không đập nữa, đã nát, chỉ có dòng nước mắt như còn ứa ra, chưa ngưng chãy hẳn.
THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu muốn, bạn dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]