Chuyện
mưu sinh
Anh ta tên là Phác, chắc phụ mẫu muốn khi lớn lên anh ta sẽ
trở thành người thật thà chất phác, Phác mồ côi cha từ nhỏ, hai mẹ con ở căn
nhà quả thực (nhà cấp cho người bần hàn sau cải cách).
Tuy cuộc sống nghèo túng nhưng được cái Phác ta khá sáng
dạ, cũng ngày ngày cắp sách theo lũ trẻ đến trường làng và học môn toán có vẻ
nhanh. Lớn lên gặp thời loạn anh ta vào lính cũng như bao thanh niên khác, bị
thương, chuyển ngành đi học đại học.
Sau ngày thống nhất, Phác ta đi trong đoàn vào nam công
tác về mảng tài chính thuế má gì đó, để cô vợ trẻ lại gửi gắm cho đồng nghiệp
và cấp trên. Chẳng hiểu thế nào mà một thời gian sau nghe đồn ầm lên là cô ta
tằng tịu với “xếp” tổ chức, nạo thai mấy lần. người ta bảo là cô “lo lót” để
được cùng vào nam hoặc anh ta quay ra để hợp thức hoá (đoàn tụ) gia đình nên
mới có vụ trao đổi sướng khổ này, kẻ lại nói họ phải lòng nhau thực sự, cô định
thay nài ngựa bằng kẻ tầm vóc vạm vỡ hơn…
Được tin dữ, Phác ta bỏ cả việc trở ra Hà nội, hằm hằm
đến ngay văn phòng Bộ, trong giờ làm việc trước đông đảo đồng nghiệp ảnh chửi
bới một hồi rồi thộp cổ gã Ác là kia, mắt trừng trừng lửa hận, bàn tay còn lại
nắm chặt kiểu cuốn lá thép như người trong nghề võ thực sự, Phác nghiến răng
bạnh cằm mặt đỏ gay như gà chọi, thoi một cú đấm thôi sơn vào mặt “thủ trưởng”.
Gã ăn vụng kia toé đom đóm, chới với, ôm miệng đỏ loét, loạng choạng nghiêng
đầu vào phía góc cột nhổ ra một bãi máu, nước bọt và… mấy cái răng cửa.
Phác liền nhận được một tờ giấy trắng lốp, trắng hơn cả
hai bàn tay anh ta lúc ấy: Mất việc, mất vợ, mất tất cả!
Về quê ư? Mặt mũi nào với dân làng, mà cái chính là ăn
nói ra sao với tấm thân già da cóc suốt ngày tháng luôn khoe cùng lối xóm: Rằng
thằng con bà giờ làm “lớn”, đi nam về bắc như đi chợ, ngồi máy bay chính phủ mà
cứ như ngồi lôồng cộ (xe kéo phân) ra đồng vậy.
Anh ta thất thểu đi về phía thâm sơn cùng cốc, cốt né
tránh mọi người, tránh cuộc đời, tránh tất cả…
Bấy giờ đang là mùa xuân, trăm hoa đua nở khoe sắc đưa
hương, xứ anh ta tìm đến, núi rừng tràn ngập hoa Ban trắng tinh, cảnh đời thật
tươi tắn đáng yêu.
Nhưng với Phác, trước mắt chỉ thấy có một màu: màu đen -
màu cứt trâu!
Anh ta lần vào một bản làng lẩn sâu trong rừng thẳm, cách
xa cộng đồng. Không ngờ nơi vài nóc nhà loe ngoe mà lại có một gia đình nói
tiếng quê anh, mà trong nhà đó có một cô con gái đến tuổi dậy thì hơ hớ, tiếc
thay ở xứ này họa hoằn mỗi năm xuống chợ một vài lần cô cũng chỉ xáp mặt mấy
chàng dân tộc Thổ. Nay gặp được Phác ta, cô thấy trống lòng giục giã gọi dậy
trong cô rồi lan sang anh ta, họ cùng ngước về tương lai.
Hai người nhanh chóng bỏ nhà, bỏ làng bản rú rừng, lần về
miền xuôi, rồi lang thang phiêu bạt dần về phía nam. Họ làm thuê làm mướn tất
cả mọi việc để có thể kiếm chút tiền tàu xe và đút vào hai cái lỗ mồm, ấy thế
mà đêm đến, sức sống bản năng trong hai cơ thể khỏe mạnh tràn sang nhau, tràn
cả ra hè đường, mái hiên, nơi các ga tàu bến xe của khúc ruột miền trung gió
Lào nóng hầm hập, mồ hôi mồ hám, không giường chiếu… chỉ có những ngọn đèn
đường tù lù mù chứng kiến cuộc mây mưa trong những đêm hè ngột ngạt.
Thế mới biết niềm
kiêu hãnh muốn thắng nổi dục vọng cũng chẳng dễ dàng gì, vào trong chùa rồi vẫn
ngoái cổ ra, vẫn nặng lòng trần tục, cắt tóc đi tu rồi nhiều khi vẫn muốn nó
mọc lại
Khi dừng chân làm mướn ở cái thành phố thủ phủ quê hương,
Phác ta ngước mắt về hướng gió Lào khô khốc đang thổi tới, cố hình dung những
chùm khế ngọt, về con đường ngày xưa đi học, về bướm vàng diều biếc, về bến
nước bờ tre, cá nhủi đồng làng, rau lang nhút mít… tất cả mới ngày nào mà nay
đã mơ hồ diệu vợi. Trước mắt anh ta giờ chỉ một màu: màu cứt trâu.
Một ngày kia, anh ta cũng đến được vỉa hè Sài gòn, gia
nhập đội quân đầu đường xó chợ. Anh ta chổng mông chúi mũi vào kiếm sống từng
ngày nhưng trong thâm tâm vẫn le lói một niềm hi vọng mong manh: “Biết đâu có
một ngày nào đó trời sập, đất lộn tùng phèo, ta lại là phó Tổng bí thư cũng
nên…”.
Đời ai cấm được lòng tin và niềm hi vọng!
Những ước mơ trong anh ta thì vẫn tịt tù mù nhưng để
chống chọi với khó khăn của cuộc sống vật vờ bờ bụi hiện tại lại thật là nghẹt
thở. Anh ta nuối tiếc cái thời vênh vang là người của chính phủ vào chính cái
đô thành này để thu thuế, kiểm tra giám sát, rao giảng chủ trương chính sách
mới cho các doanh nghiệp vốn sinh ra trong lòng xã hội tư bản cạnh tranh, thời
ấy ho một tiếng cũng có tiền tiêu.
Ai mà biết được sự đời, bây giờ đã là mạt hạng lại bị bọn
cặn đáy hoạnh họe, sai khiến, anh ta thấy nhục nhã chịu hết thấu. Tuy thế, giữa
chốn giang hồ mà không đúng cách thì ắt chết, Phác ta để cô vợ đêm đêm ra đứng
làm “cò” nhử khách trăng hoa vào chỗ tối rồi nhào ra phối hợp trấn lột được ít
tiền lẻ (khách hạng này chỉ thế thôi). Hôm nào vớ được chút đỉnh kha khá thì cả
hai vợ chồng mừng húm, chén bữa thật no. Khổ nỗi, các cụ nói chí lí: “No cơm ấm
cật dậm dật mọi nơi”, những bữa như thế hàng xóm bụi đời lại thấy chỗ họ lùng
xùng trong tấm mền vải mỏng lét phát ra tiếng huỳnh huỵch, ộp oạp suốt đêm.
***
Bụng cô vợ cũng đã đến ngày chường lên nhưng đâu đã được
yên ổn, thằng hàng xóm (đại ca) nổi hứng kêu anh ta cho hắn mượn vợ một đêm, anh
ta một mực không chịu bị hắn đấm cho mấy quả vào mặt, đạp cho mấy cái vào mạng
sườn rồi lôi cổ cô đi, đàn em xúm lại nện cho anh ta một trận nhừ tử, khuya đó
chúng còn bắt vợ Phác làm cò ca ba để chúng lấy tiền bồi dưỡng đêm.
Thật là “phúc bất trùng lai hoạ vô đơn chí”: chính đêm đó
cô vợ Phác gặp phải một thằng bặm trợn bị lừa hụt mấy hôm trước nay tìm lại trả
thù nên trận đòn ra đòn, nhưng đáng kể là bị đạp mấy cái vào bụng làm cô ngất
đi, máu tươi trong người chảy xối ra theo đường sinh sản.
Gặp cảnh khốn cùng, Phác tìm đến nhà thằng bạn móc cua mò
ốc hồi ở quê, từng thề nguyền chí cốt. Thời kỳ anh ta công tác quản lý thuế má
có chút lợi lộc cả hai vợ chồng kia niềm nở săn đón lắm, con vợ lại là người
của một nhà hộ sinh nên nay là dịp cậy nhờ. Thằng bạn đó vốn tính nhăn nhở xun
xoe, nó chỉ có mẹ, mấy chị em nhà nó đều thế, không biết cha là ai, họa chăng
chỉ võ đoán trong số những đàn ông thường đến với mẹ nó mà ai cũng nhận là
chồng bà ta cả. Mẹ nó lẳng lơ có tiếng ở thị trấn, không chồng nhưng đẻ cả một
lũ con, mấy chị gái nó cũng thế, làng nước đều gọi tên theo nghề: con đĩ. Nó
tuy là thân cu li, không chữ nghĩa, làm chân chạy loăng quăng ở bến tàu nhưng
lại thích tỉa tót dáng mã để mọi người tưởng nó là cỡ đứng chỉ tay năm ngón. Nó
lấy con vợ làm y tá hộ lí gì đó, rồi học bổ túc đêm hôm sao đó, thậm thụt sao
đó cuối cùng cũng có được tấm bằng chuyên môn đầy ám muội, người ta hay nói đùa
cái đó không phải là “bằng” mà là “thấp hơn”. Nhưng thôi, cũng là cái chìa ra
với đời vốn giả thật lẫn lộn quá nhiều.
Trước khi tìm lại bạn cố tri, Phác ta khấp khởi hy vọng
bao nhiêu thì lúc quay ra lại thất vọng bấy nhiêu. Vốn cũng từng nghe thế nào
là sự đời, từng trải một mớ sự đời nhưng lần này thật thấm vào máu lộng lên óc
làm đầu anh ta muốn vỡ ra, lảo đảo xuống tới hè đường anh quay đầu lại nói
đổng: “Tệ hơn chó má”
Hình như vừa đi, anh ta vừa lẩm bẩm không biết bao nhiêu
lần câu nói nổi tiếng của nhà văn Pháp: “Khi hiểu con người tôi càng quý con
chó của tôi hơn”
Anh ta cõng vợ tìm vào trung tâm từ thiện, người ta sơ
cứu, tiêm thuốc cầm máu, ở đây chỉ lo được đến vậy, anh nghĩ thế cũng là quý
lắm rồi.
Phác hiểu vỉa hè Sài gòn không có chỗ dung thân cho mình,
tuy cố tình để râu ria lởm chởm, tóc tai bù xù cho có vẻ ngầu như dân giang hồ
anh chị nhưng chỉ thế thì hù dọa được ai ở cái đất này. Mấy ngày sau, khi cô vợ
qua cơn hiểm nghèo họ dắt díu nhau lên Tây nguyên – nơi cuối cùng.
***
Bẵng đi nhiều năm.
Một hôm, Phác ta xuất hiện trước cửa nhà tôi, ngó bộ đã
thành người trở lại.
Về thành phố, anh ta còn gói theo một cục phân trâu khô
như là bùa hộ mệnh, một biểu tượng của tình nghĩa, xem nó như là bạn tri kỷ đi
xa là nhớ, nhớ cả cái mùi mà nó toả ra.
Thế mới biết,
hương hoa thơm thì đã đành nhưng đằng này có những cái cứ hợp là lấy làm thơm
tho.
Thì ra, lên Tây nguyên Phác ta vất vưởng làm thuê làm
mướn cho các chủ vườn cà phê, dựng một căn “Vila …sắc” bên bờ khe, chuyên hót phân bò để
bán. Anh ta kể thành thực: buổi sáng nào cũng vậy, thay cho chuyện thể dục, Phác
cứ quảy gánh từ bờ khe này đến con suối nọ cách nhau chừng vài cây số là hót
được một gánh phân trâu bò đầy è, tính kỹ ra mỗi năm số phân nhặt hót bỏ rẻ
cũng được 80 đến 100 tấn, cuộc sống đi lên từ đó, nhờ nó.
Tôi có cơ sở để khẳng định anh ta đang nói thật, Phác làm
hùng hục phần vì cuộc sống đã đến nước cùng đường, không còn cách nào chỗ nào
cho anh ta nữa. Chắc cũng vì thế mà anh ta như khoẻ hẳn ra, chẳng thấy đau ốm
gì.
Gặp tời mấy dự án liên doanh với Liên xô (cũ) bị bỏ dở,
Phác được nhận thuê chăm sóc một lô cà phê dưới dạng khoán sản phẩm. Anh ta về
Sài gòn cốt là tìm tới chỗ một người quen đằng vợ hỏi mượn tiền để mua cái máy
bơm nước tưới cây loại nhỏ. Chị kia (theo lời Phác) tủ có đến 200 chiếc áo dài áo
ngắn các loại, cơ man nào là đồ kiểu dép guốc… khoản tiền anh ta hỏi mượn không
bằng một chiếc trong số đó. Thấy Phác, chị kia muốn nhổ một bãi nước bọt, chẳng
nhẽ đuổi đi ngay, thôi thì cho anh ta nói một vài câu - chết ai.
Đời vốn trọng phú khinh bần làm vậy!
Ra đường rồi Phác ta mới vừa đi vừa chửi lầm bầm làm mọi
người tưởng anh điên, Phác nghĩ bụng: “Đúng là mình điên mới đút mặt về hỏi
mượn”.
Phác ta kể với tôi mọi chuyện trong đó nhắc đi nhắc lại
chuyện hót phân thực ra cũng là muốn cởi lòng thành thật, không chỉ để tri ân
những đống phân đen thui nằm rải rác dọc đường bên bờ khe. Bất chợt, anh ta lại
thò tay vào túi quần lôi cục phân khô trong bịch nilon ra.
Trông điệu bộ lúng túng lắm động tác thừa, miệng lắp bắp,
có vẻ tình cảnh hiện tại của Phác là đang rất cần tiền, tuy bao nhiêu năm ki
cóp nhưng dốc cả vào những khoản chi cho mùa vụ chưa thu hoạch… Phác ta nhìn
tôi ấp úng: Rằng biết tôi bây giờ rất giàu có, tiếng đồn về quê nhà và lan khắp
mọi nơi nhưng anh ta không dám đến, hôm nay vì tình làng nước xưa mà tiếp anh,
anh ta rất xúc động, rằng nhờ nhìn vào truyền thống học hành của gia đình tôi
nên anh ta mới có được tấm bằng đại học, chứ cả dòng họ bảy đời ăn củ chuối rồi
tới anh ta dễ tiếp tục lại củ chuối thôi,… rằng…, và rằng…
Tôi biết Phác thực lòng vì chuyện cảm ơn về đường học hành
là anh ta nói những chỗ khác mà tôi nghe kể lại... Thấy tôi tin, mắt Phác sáng
lên hấp háy nói giọng phấn khởi rằng có dịp mời tôi lên Tây nguyên dù chỉ một
lần cho biết hương rừng, anh ta nói có quen vài sỹ quan trong sân bay trên đó.
Nếu tôi đến, Phác ta sẽ tìm cách nhân chuyến bay bảo hành bảo trì mà chui cả xe
Jeep chở bia bọt, em út vào bụng máy bay rồi vù lên trời.
Tôi cười khẩy nhìn Phác hỏi anh ta có biết mỗi lần cất hạ
cánh riêng khoản nhiên liệu là bao nhiêu không, Phác ngớ ra, “Chí ít là ba tấn,
thôi hôm nay ta dừng lại đây, à quên, ông Lĩnh (chú ruột tôi) đang nhắc mi đấy”.
Phác co rúm người lại, không ngờ tôi cũng biết chuyện lần
cuối cùng (khi bị đuổi việc) anh ta đến nhà chú tôi mượn tiền rồi quỵt luôn,
biến một mạch.
Anh ta lúng túng, lúng búng cảm ơn, xin lỗi rồi xách bị
cáo lui.
Trong con người Phác công bằng mà nói, vẫn luôn muốn vươn
lên thành người tử tế.
Nay ở chốn thâm sơn, hàng xóm toàn những người chỉ mặc
độc một manh khố, tấm bằng đại học tưởng chẳng để làm gì, có lần Phác định vứt
đi, vứt luôn cái quá khứ của chính mình, cũng may là chưa chứ nếu không thì làm
gì có chuyện được gọi lên làm kế toán cho nông trường.
Thế là sau bao lận đận long đong, giờ đã có cơ làm lại
cuộc đời…tuy là chân, là chỗ đứng nhỏ
nhoi thấp bé nhưng nếu cố làm cho tử tế thì còn đáng hơn chán vạn lần những vị
trí cao nơi mà từ đó nhiều kẻ ra sức đục khoét công của, ăn bám cơ chế và trấn
lột nhân dân.
Cô vợ Phác thì sau cái lần hư thai do bị thằng đại ca hè
phố Sài gòn, đến nay thùng nước lèo vẫn chưa thấy nhúc nhích gì, mặc dù cuộc
sống ngày càng ổn định và đi lên thì càng có dịp cho “chúng nó” gặp nhau luôn.
Anh ta đi làm ngày hai buổi đều đặn, sáng sáng vẫn những
gánh phân đầy è, Phác thề không bao giờ đoạn tình với phân, những thứ súc vật
thải ra nhưng với anh ta là tất cả. Vâng. Nhờ phân, chỉ có phân anh mới có cơ
hội trở lại làm người.
***
Tôi nghe kể, sau khi anh ta đi làm, cô vợ ở nhà chăm vườn
cà phê nhận khoán. Một hôm có cán bộ nông trường đến kiểm tra tình hình tưới
tắm ra sao, khả năng sản lượng thế nào…
Một anh trong đoàn phát hiện ra ở giữa xứ khố nhiều hơn
quần này lại có một phụ nữ hơ hớ đến vậy, khi mọi người đi sang vườn khác, anh
kia còn ná lại uống thêm bát nước tranh thủ trò chuyện với vợ Phác, hắn nói hắn
phụ trách tổ chức (lại tổ chức), có thể thu xếp cho chị ta đi làm nông trường,
thành người nhà nước, “nhan sắc vầy mà ở nhà thì uổng phí” – chị ta mừng húm –
thế là đời sẽ đổi thay.
- Anh chàng này ăn nói có duyên quá, dáng mã lại hơn
chồng mình nhiều chỗ - ừ, lâu rồi mới có người khen nhan sắc của mình – vợ Phác
thấy sương sướng trong người thế nào ấy.
Cô ta bắt đầu nhận ra đủ thứ tính xấu nơi chồng mình,
những toan tính nhen lên trong cô, cô mỉm cười với cảm giác lâng lâng khi sẽ
trở thành cán bộ nay mai.
***
Cái kim trong bọc mãi cũng lòi ra, người ta nói với Phác
mấy lần gặp vợ anh thậm thụt với người kia, lúc đầu Phác ta không tin, không
thể có chuyện người đã cùng anh vượt qua bao cay đắng tủi nhục lại có thể… Nhưng
nghĩ lại có lần nó ỡm ờ: “Nếu có mang mà đẻ ra con giống anh thì nhất định bóp
đi”, Phác xâu chuỗi mọi chuyện rồi tự nhiên nổi đoá giận sôi người trách mình
ngu… Mấy lần nó đi cả đêm, nói là đi tìm mối bán hàng giá hời mình cứ tưởng là
thật, té ra…
Cũng may cho Phác, không phải theo dõi lâu, như có người
chỉ đường, anh ta lần theo lối nhỏ từ nhà đi ra bìa rừng, cỏ dại mòn vẹt, nhà
chỉ có hai vợ chồng, anh không đi lối này thì chỉ có mụ vợ thôi!
Phác ta đã đoán đúng, khi đến chỗ gốc cây, nơi cái hốc
sâu dấu vết bàn tay thò vào rút ra mòn như lỗ ếch, anh nhòm thấy cuộn giấy nhỏ
phía trong, nhón lấy và biết chính xác thời gian, địa điểm hẹn hò, còn dặn cả
chuyện tắm rửa…
Anh ta nhướn hàng lông mày, mặt tái xỉn, nghiến chặt hai
hàm răng, gục gặc cái đầu bước đi trong tính toán sắp đặt.
Đêm trăng, gió thổi xạc xào rừng cà phê bạt ngàn, một gã
đàn ông đã chuẩn bị thể lực tốt nhất như võ sỹ chuẩn bị bước vào trận đấu, một
người đàn bà muốn ứng trước cho tương lai đi làm cán bộ mà cũng là sự thôi thúc
của dòng nhựa sống hừng hực chảy vào nơi khát, trong khi đức ông chồng chỉ biết
chúi mũi lo kiếm tiền
Hai cục nam châm trái dấu, hai con rắn cạp nong bạch tạng
xoắn vào nhau, tưởng có lửa toé ra cháy cả rừng cà phê bắt đầu đậu quả.
Khi chiến cuộc đến hồi cực kì ác liệt, dám bom nổ giữa
cũng không còn tách ra được thì… từ ba phía ba gọng kìm kẹp chặt lại, anh ta
nhảy xổ ra, bên cạnh có hai người đồng hương hỗ trợ khi cần thiết. Sức lực như
được dồn lại, chỉ cần một tay, Phác thộp cổ con ếch đực nhấc lên gọn gàng làm
tứ túc nó bơi trong không khí, một cú đấm móc từ dưới lên kiểu Holifiell trúng
mồm, mấy cái răng cửa rơi xuống rào rào.
Gió vẫn đưa cành lá xạc xào.
Liên tiêp những cú đấm đá tới tấp của bàn tay “thay trời
hành đạo” cùng hai kẻ đánh hôi hăng máu làm gã kia không thể bò dậy để ngửa mặt
lên mà van xin, gã chỉ biết nằm bẹp gí, co quắp, tay ôm đầu chịu trận…
Sau lần đó, gã đàn ông không chết mà chỉ thừa sống thiếu
chết, nếu cô vợ anh ta không van lạy kêu khóc thề thốt khi thấy con dao kề cổ
“thằng đầu trọc mất dạy” thì gã kia chắc đã mất đứt đồ nghề.
Phác lập tức về nhà khăn gói lên đường, anh ta xỏ cái tay
nải vào một đầu gậy, bước đi liêu xiêu trong đêm trăng suông, gió lùa những lá
khô đuổi nhau, gió thổi về cuối trời nhưng không biết Phác đi về đâu khi mà anh
đã ở nơi tận cùng của miền dương thế…!
Đường đời vạn nẻo nhưng nẻo của Phác đi thật gồ ghề khúc
khuỷu…
Trăng mênh mông như núi rừng…
***
Khi tôi viết chuyện này thì nghe nói anh ta đã tìm về mạn
Biên hoà kiếm kế sinh nhai, hình như anh ta tiếp tục cuộc sống nhờ những gánh
phân hót đuợc, đời anh ta quả có duyên với phân với cứt, chút hạnh phúc có được
cũng nhờ phân, đi lên cũng nhờ phân, gần kết thúc cũng không thể xa phân.
Với Phác, địa ngục khắc nghiệt nhất lại chính là dương
trần.
Anh ta luôn lải nhải một câu cửa miệng: “Đời là một đượn
cứt dài vô tận mà chạm vào đâu cũng thấy thối cả”
Thì ra, chưa bao giờ anh ta nói cứt thơm!
truyen nay hay dao de anh a. e thich lam. cach anh ta canh, ta tinh sao ma tuyet the.
Trả lờiXóaNhững chăng đưởng ghập ghềnh ,đã đưa nhân vật tư thăng trâm ,này tới thằng trầm khác ,cuộc lời của nhân vậ Phác thật phong trần
Trả lờiXóaTruyện hay và rất thực tế trong đời thường.
Cám ơn tác gỉa rất nhiều.
Chúc tác giả ,thật nhiều sức khỏe vạn sự như ý.