Links - Liên kết dến các trang Website. Blogspot, fb, chuyên trang thơ THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

30 tháng 10, 2013

** NIỀM RIÊNG


NIỀM RIÊNG

Gió đuổi nhau hoài thế gió ơi
Không mắt nhưng thấu cả đất trời
Đã làm thân gió thì mãi thổi
Dừng lại đâu còn gió – hỡi ôi

Mơ mình là gió để rong chơi
Tung tăng bay lượn suốt cả đời
Đuổi theo hương ngát loang trong nắng
Bú cạn dòng sương vương cỏ cây

Có thể nào chăng em là mây
Một làn mây trắng, mịn hây hây
Để gió cõng mây về bến mộng
Mền bông quây kín một góc trời

Em, ý thế nào trong tỉnh say
Cửa tròn luôn sẵn nước trong veo
Nhèm nhẹp tùm hum chờ nhóp nhoép
Chiến binh xung trận vượt qua đèo

Tình có như là mưa bóng mây
Ào lên sầm sập chút lại thôi
Nước chảy tràn men miền trũng hẹp
Trườn len luồn rướn lớn mênh chèo

Đừng quá vời xa xứ tương lai
Mà đem phụng hiến phút giây này
Đóng lại từng phiên giao lưu.. lạc
Đến miền ngột ngạt nhạc Eden

Nàng có cùng ta thăm suối sông
Cùng chia rắn nát cửa bềnh bồng
Thăm thú trúc lâm, đèo tai thở
Nơi thừa dải khố đóng quanh thân

Em có cùng anh ăn bả.. điên
Cùng nghe khúc nhạc chẳng êm đềm
Sấm sét long tròi, đèo ngoạn mục
Ngân hà bơi lặn bến tắm tiên

Mình có cùng nhau say triền miên
Trồi lên hụp xuống miệt dương trần
Chẳng đếm tháng ngày xem mưa nắng
Chỉ còn nửa tỉnh nửa man hoang
… …
THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

** TÌNH LỠ


28 tháng 10, 2013

** Ta lại tìm ta giữa Tim ta

TA LẠI TÌM TA GIỮA TIM TA
 

Ta lại tìm ta giữa hư vô
Đường trần vạn nẻo ánh trăng mơ
Nửa chiếc bóng mình trên lối đổ
Màn sương khói phủ đến mờ nhòa

Hỏi thăm chiếc bóng chút về ta
Bóng có biết gì phía xôi xa
Phận nào đang đợi tình ta nhỉ
Trao gởi duyên lành cho ta không?

Nhân thế ai nào trong nhớ nhung
Nhìn vào vời vợi chốn mênh mông
Tìm ta – một kẻ đầy kiêu hãnh
Có để chút gì vương lại chăng(!?)

Nhúng nửa cuộc đời trong nuối thương
Còn chi tim – vốn sẵn yếu mềm
Ta vẫn tìm ta bên miền nhớ
Mấy sợi ân tình luôn mãi vương

Nửa chiều sao vẫn kín màu sương
Chân vẫn thả theo tiếng nổi chìm
Mây giăng ngập lối về bến mộng
Cho hồn man mác cánh chim buồn

Có tiếng chuông chùa loang thinh không
Làm cõi lòng ta nặng chùng thêm
Thánh đường nhắc nhớ miền xa thẳm
Cần chút ân tình, chất nhân văn..

Ta cứ tìm ta trong con tim
Thấy mình xứng đáng được đi tìm
Một cánh chim chiều dang cánh mỏng
Làm ta chạnh nhớ tới nồng nàn

THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN


** LẠC

 LẠC
 
Anh lạc vào em
Đời lạc vào đời
Chiều buông nắng
Ai buông đời(?!)

Dòng sông trôi
Gió vi vu thổi
Môi tìm môi lạc
Sức tìm nhau

Ôi ngày xưa
Thân chưa tù tội
Tim chưa đọa dày
Nhìn rồi cười mỉm

Đời lạc vào
Chốn tương tư
Trăng lên mộng tưởng
Tìm kiếm nguồn hương

Đầy dã tâm
Mắt long lên
Lần qua lớp áo
Mỏng tang mỏng tang

Lạc đời, hoan lạc
Tìm cực lạc
Giữa dương trần
Chông chênh chông chênh
… …
THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN
 

** SÔNG ƠI ĐỪNG CHẢY


26 tháng 10, 2013

** MƠ HOANG


MƠ HOANG
 
Em ngắm đồng hoa ong bướm bay
Nắng xuân âm ấm chút vai gầy
Gió lượn chải vờn trên tóc xõa
Hây hẩy làn hương thoang thoảng say

Em ngắm cánh buồm theo sóng trôi
Xa mờ ngàn dặm ngút trùng khơi
Man mác nỗi niềm loang khắp biển
Trải lòng đến tận chốn vô bờ

Em ngước nhìn trời, mây trắng trôi
Hồn như vương vấn nét vơi đầy
Mây sẽ có ngày không trắng nữa
Để hóa cầu vồng bảy sắc tươi

Em ngoái nhìn về nơi ngây ngô
Mỉm cười, ngày đó thật ngu ngơ
Chẳng bù đoạn đỉnh dư hùng hổ
Ngấu nghiến hùng hục trong lả lơi

Em nghĩ về ai say tỉnh mơ
Say hồn say xác, đắm tình thơ
Nhớ lộn nhớ lồng khi xa cách
Điên dại khù khờ quên uống ăn..

Em cứ tin đời sẽ ngát hương
Cho ai lòng trải giữa yêu thương
Đặt trọn niềm tin nơi tốt đẹp
Tắm tình, ngâm ngập giấc mơ hoang

THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

25 tháng 10, 2013

** SINH RA LÀ ĐỂ CHÁY



SINH RA LÀ ĐỂ CHÁY
 Nhang cháy thân mình để thành hương
Thơm lên tiên tổ lẫn đời thường
Thức tỉnh lương tâm người trần thế
Đời nhang nào sá cháy thành than

Bút chì rút ruột vẽ nên tranh
Trộn trắng vào đen thổi thành hồn
Thân bút ngắn dần theo nét vẽ
Có sá chi nao, kiếp dương trần

Môi mởn hồng lên bởi nhờ son
Cạn mòn môi hay ngắn thân son
Chỉ vì hoa kia khoe sắc thắm
Đời son nào sá hiến thân mình

Điếu thuốc sinh ra biết phận hèn
Lần lượt từ đầu cháy đến chân
Để tỏa khói hương che buồn bã
Thơm lên một chút phía tâm hồn

Và kìa, ngọn nến chiếu vào đêm
Le lói thôi nhưng sáng nỗi niềm
Bởi cháy thân đời trong kiếp sáp
Cạn mòn cho sáng góc đêm hoang

Và kiếp đời ta trong lang thang
Cứ cháy bùng lên giữa miệt trần
Cháy rực tâm can trong tình ái
Cạn mòn chi mấy hỡi thúy loan

Không cháy đời ta sẽ héo hon
Cháy bùng cháy rực cháy lan loang
Sang cả nửa kia cùng cháy dữ
Hai đời gộp môt, cháy hân hoan

THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

** NHỚ

NHỚ

Ai chôn nỗi nhớ vào lòng
Ai hong nỗi nhớ trên sàng nhân duyên
Ai tìm nỗi nhớ trong quên
Ai khơi nỗi nhớ chảy thành sông ngân
Dặm trần nhớ nhớ quên quên
Quên quên nhớ nhớ để thành tương tư

Nhớ bao kỷ niệm dồn về
Nhớ màu hương áo ngấm mùi da em
Những gì ngỡ đã vào quên
Mà sao vẫn nhớ như in trong lòng
Nhớ làn tóc vướng cánh hồng
Hương cau hương bưởi ngấm đằm thân em
Nhớ đêm tận, nhớ ngày cùng
Hồn trong nhau trộn đôi lòng ngất ngây
Đường duyên len lỏi dồn dày
Ngón tay trườn nhớ rừng cây thâm nồng
Trong say, ít nhớ nhiều quên
Chỉ còn nhớ mỗi một niềm đam mê
Đời ơi, có nhớ câu thề
Nhớ lời nguyện ước vai kề trăm năm
Ai quên cái khúc uẩn trầm
Để ai cứ mãi âm thầm nhớ nhung
Ngẫm về xứ nhớ miền thương
Mà sao chạnh gõ nốt chùng lòng ai

Đường về xuôi phía tương lai
Sao ta không nhớ có ai nhớ cùng
… …
THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN


24 tháng 10, 2013

** Chiếc Lá Cuối Cùng



Lời ca khúc: Chiếc Lá Cuối Cùng

Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang
Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa

Đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói
Chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi
Ngày buồn tênh cũng đưa chiều vào tối
Mím môi cười mà nhớ thương khôn nguôi

Mộng về một đêm xuân sang
Em thì thầm ngày đó thương anh
Thuyền về một đêm trăng thanh
Xây mộng vàng đậu bến sông xanh

Mộng tràn ngập đêm trăng sao
Sao đầy trời từng chiếc lấp lánh
Rồi một chiều xuân thơ trinh
Cho lòng mình về với dĩ vãng

Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng
Đường thênh thang gió lộng một mình ta
Rượu cạn ly uống say lòng còn giá
Lá trên cành một chiếc cuối bay xa

23 tháng 10, 2013

** CHIỀU SƯƠNG EM ĐẾN


CHIỀU SƯƠNG EM ĐẾN

Em đến, màn trời sáng bừng lên
Màu đất bây giờ cũng long lanh
Hương thơm theo gió vờn trong nắng
Hoa rắc màu nhung những hạt tình

Rồi hạt nảy mầm trong ấm êm
Cho rễ luồn trườn tới rừng đen
Suối hát rì rào mạch ngầm chảy
Ngàn thông reo mãi chốn ba lần

Em đến, bóng đời chợt lung linh
Nhuộm hường loang tím gã lang thang
Hoàng hôn xa ngái chòm bắc đẩu
Vô định mà chi những nỗi niềm

Rồi giọt tình em nhểu xuống anh
Ngọt ngào quá lắm giữa long lanh
Thảo nguyên gió lộng trùm say tỉnh
Ngựa dồn nước đại, tiệc linh đình

Em đến, trời thu xanh suốt đêm
Màu trăng như cũng nhuốm êm đềm
Sóng trào từng đợt chồm hổn hển
Triều nhu, hai mảnh một cánh buồm

Rồi biển tình em ập lên anh
Cho cá bập bềnh giữa mông mênh
Nửa ánh mắt nàng dư lúng liếng
Tù nhân hết kiếp đọa thân chàng
… …
THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

** LỜI NÓI ĐẦU - NÓI CUỐI



** Sau khi lần lượt đăng các mẩu chuyện trong tập: LÀN GIÓ 
RONG CHƠI lên trang này, tôi muốn bạn bè "nghía" LỜI NÓI ĐẦU 
của tập truyện do ông bạn tâm phúc từ thuở hàn vi giới thiệu:

THAY LỜI TỰA
(lỜI NÓI ĐẦU của GsTs Nguyễn Văn Hà cho tập truyện ngắn 
LÀN GIÓ RONG CHƠI – Thi Yên Đình Nguyên – NXB VĂN NGHỆ)

“Đọc một chuyện của anh thì sẽ muốn xem hết những chuyện còn lại, giở những trang đầu ra thì chắc chắn phải gập lại ở trang cuối cùng”. Đó là nhận xét của bạn bè khi nói về văn chương Đình Nguyên.
Tôi và THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN (Nguyễn Thiên Đình) là bạn bè từ thuở hàn vi “vừa là đồng khói lại đồng hương”. Thời nay, nhân đi tây về có chai rượu chính hãng nổi tiếng dành uống với anh, anh không chịu, đòi pha thêm rượu thuốc “tắc kè, bìm bịp”.
Đình Nguyên vốn từ một nhà binh, nhưng được học và làm một nhà doanh nghiệp, tuy cũng ngang dọc, chứng tỏ được mình trên thương trường, nhưng anh không toàn tâm. Anh nói: “Giữa thương trường, nếu chỉ dùng sức, trong khi đối thủ đã gồng hết lực, lại còn trổ hết mưu mô thủ đoạn… thì hoặc là mình cùng xuống thuyền, cùng mặc áo giấy, hoặc là ở trên bờ”. Anh luôn muốn: “mình là mình, làm chủ mình, không muốn làm những việc để nhỏ mình đi.”
Ở Đình Nguyên có một mảng gồ ghề góc cạnh, một chút riêng tinh nghịch, ngang tàng, một chút bi hài, một chút ưu tư, một niềm kiêu hãnh và một tình yêu vị tha đầy tính nhân bản, đầy bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc mà trước hết là nghiêm khắc với chính mình, anh tự nhủ: “Chim hay tập bay là chim cánh cụt, người hay tự ái là người có cá tính mạnh nhưng năng lực yếu.”
Thi Yên Đình Nguyên đã trải lòng nhân ái cho đời và được đời bù đắp lại, anh có một chương trình, một mô hình tổ chức cuộc sống hợp lý hài hòa. Cùng đi với anh là người bạn đời mà “sinh ra là để cho nhau, vì nhau”, dẫu rằng bản tình ca nào cũng gồm những nốt nhạc trầm và bổng mà thành.
Đình Nguyên hay đưa người bên cạnh ra khỏi đời thường, ra khỏi những ưu sầu nhân gian để cười những nụ cười đáng cười, kể cả cười với điệu cười thứ ba mươi bảy. Tôi nhớ mãi cái lần rủ Đình Nguyên đến liên hoan vì mấy chuyện trong đó có cái gọi là tước hiệu: “Gà sống Thiến sót - GsTs” như khẩu khí của anh, tôi chữa: “Chỉ là gà mái thôi”, Đình Nguyên lại nói:
-    Mái tơ càng ngon, nhưng làm ở nhà thì được, ấm cúng hơn, chứ tội gì đưa nhau vào cái “rach…te lờ” (restaurant + hotel) cho khổ ra.
Vừa vào cửa, bất kể khách khứa toàn là cỡ có sừng có mỏ, anh oang oang nói: “Càng nhiều tiền bạc lại càng ít nhân nghĩa, càng được công danh lại càng mất đạo đức, tôi đến không phải để mừng ông mà mừng cho hai thằng con trai ông, đứa nào cũng ngon lành.., còn ông, sui gia gì mà trốn hoài”.
Tôi cười trừ, anh nói: “Cười gì mà cười, chuyện trăm năm của con gái tôi, làm sao tôi cười được với ông, nhưng thôi, hôm nay cũng phải cố cười cho nó vui chứ đâu phải vì vui mà cười”.
Không thể phủ nhận trong anh dòng máu văn chương vẫn âm ỉ chảy, anh bộc bạch: “Chắc cũng như nhiều người, nếu có thời gian thì vẫn muốn thổi hồn vào chữ, xếp chữ thành nghĩa để tặng cho đời”.
Đọc chuyện Đình Nguyên viết, thú thực ban đầu tôi hơi “bị” bất ngờ vì sự hấp dẫn cuốn hút, càng đọc càng muốn đọc, tôi hiểu Đình Nguyên là người coi trọng giá trị tinh thần, anh muốn chuyển tải một thông điệp, một mong mỏi: Con người cần sống “người” hơn, xứng đáng hơn.
Anh đã biết dùng cách của riêng mình để gõ vào nơi trầm sâu nhất của cõi lòng nhân thế, để văn chương mãi mãi là văn chương.
Cũng nói về tình yêu, nhưng tình yêu của Đình Nguyên không cùng tuýp với… “Anh là chim bói cá, em là ánh trăng ngà, chỉ cách một mặt hồ, mà muôn trùng chia xa” mà lại là…..: “Anh giữ là giữ cho nàng, còn anh thân trai như cánh chim trời…”
Cũng ca ngợi tình mẫu tử nhưng tình Mẹ trong anh thật Đình Nguyên: Chỉ chiếc bóng gầy đổ trên đường trần, chỉ đôi vai gầy… đã làm tôi nhớ lại bốn câu thơ anh đọc trong bữa giỗ Mẹ anh:
“Nhớ Mẹ lom khom gốc cây cau
Nhặt lá trầu vàng để têm trầu
Dành lá còn xanh ra chợ bán
Một liền đâu được mấy xu đâu”.
Mọi người yêu cầu anh đọc trọn bài, rồi có người không cầm được nước mắt, tôi cũng vậy, bảo anh gửi đăng, Đình Nguyên nói: “Bài này thì không…, có những cái riêng chỉ muốn giữ lại trong lòng”.
Vậy đấy, nói về Đình Nguyên khó mà dứt ra được, xin để tác phẩm của anh tự chứng minh điều đó.
Làn gió thoảng tình cờ đưa hương đời bay qua hai thiên niên kỷ, chẳng màng đã để lại đằng sau một dấu ấn vô hình, cũng không vì chuyện đi vào sử sách…
Phải chăng “tí chút duyên tơ hơi muộn mằn của một cánh chim chiều vốn có máu rong chơi.”

GsTs  Nguyễn Văn Hà
Hiệu trưởng Đại Học Ngân hàng

   THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

22 tháng 10, 2013

** CÕI TÌNH

 CÕI TÌNH
 
Khuya không ngủ nhòm song vọng nguyệt
Vấn chị Hằng có biết cho không?
Ai nào đêm nhớ ngày mong
Đến rằm trăng sáng như gương rọi tình

Trăng mãi khuyết mãi tròn năm tháng
Gần rồi xa cho mặn đường loan
Cho thao thức, giấc không thành
Chiêm bao đứt đoạn mộng lành nhiều chương

Có lẽ vậy, chữ tình là vậy
Miền nhân gian xứ ấy đa truân
Một vòng nhật nguyệt tháng năm
Vần xoay mãi chẳng mõi mòn chút nao

Đã biết vậy tình nào cũng vậy
Trằn trọc đêm, thao thức cùng đêm
Bồng bềnh.. nhớ nhớ quên quên
Quên quên nhớ nhớ.. bềnh bồng tương tư
… …
THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN

** Giấc Mơ Cánh Cò


** GÁNH BỘT CHIÊN



GÁNH BỘT CHIÊN

Cứ tầm khoảng mười một rưỡi đêm, dưới đường trước nhà tôi lại vẳng vào các khung cửa sổ tiếng rao "Ai bột chiên đây?".
Ngày nào cũng vậy, mưa cũng như nắng, đúng hơn là cả tháng cả năm cả chục năm cũng vậy, tiếng rao như muốn khắc vào lòng người hàng phố một chữ tín. Những ai thức khuya thấy đói bụng đều hiểu rằng cứ đợi đến giờ đó sẽ có cái ăn.
Hai đứa con nhà tôi hằng đêm ngồi học bài nghe tiếng rao của bà bán bột chiên, hình như chúng dần dần bị hấp dẫn bởi cái mùi thơm thơm của những miếng bánh bột gạo bằng mấy ngón tay, đôi khi có những chỗ bị cháy cạnh, nâu nâu, đen đen, tô điểm bởi mấy lá hành thái nhỏ.
Cùng với năm tháng, các con tôi lớn dần lên và hầu như hàng đêm chúng đều mua cho bà hai đĩa bánh. Mới đầu tôi không quan tâm lắm, cũng không hiểu đó là loại bánh gì mà hấp dẫn chúng đến thế, riết rồi chính tôi cũng tò mò, sau những giờ ngồi làm việc, như thành thói quen, khoảng giờ ấy tôi thường mở cửa sổ ngó ra ngoài phố, y như rằng bà bán bột chiên lại rao từ đầu phố. Dường như đôi quang gánh hơi nặng hơn so với sức vóc của một người đàn bà gầy yếu, lưng bà hơi còng xuống chịu đựng, đi được một quãng, bà lại rướn cổ lên rao: "Ai bột chiên đây?". Rao xong hai mắt bà như đảo lên, lướt qua các cửa sổ xem có ai vẫy gọi, như thành thói quen, khi đến cửa nhà tôi, bà đứng lại rao vài tiếng khi chưa thấy các con tôi ra mua.
..Tôi nhớ có lần chúng đi cắm trại hay đi chơi xa gì đó mấy ngày, bà bán bột chiên đến cửa, đặt quang gánh xuống, rao gọi, không thấy gì, đợi một lúc, bà uể oải gánh hàng đi, hình như có tiếng thở dài mệt mỏi trôi ra phía sau lưng bà.
Những lần con tôi không có nhà sau đó, tôi thường xuống mua hai đĩa bánh và không thể quên nét mặt như rạng lên của bà, bà cám ơn và bước đi khỏe khoắn hơn, ngoái lại nhắc tôi đừng thức quá khuya tổn hại sức khỏe.
Một lần, qua nhà tôi chừng mươi căn, bà dừng lại đợi bán cho ai đó vừa gọi từ trong con hẻm cạnh ngôi nhà khang trang nhiều tầng, đúng lúc ông chủ nhà đánh xe hơi về đến cửa, coi bộ ông ta là một con người thành công trên chính trường.., từ giày dép quần áo xúng xính, cho tới khuôn mặt bóng căng, đến dáng đi khệnh khạng. Ông ta khó chịu khi thấy trước cửa nhà mình một gánh hàng nhếch nhác bên cạnh một bà bán hàng ngồi ngó nghiêng còn xộc xệch hơn, ổng lên giọng: "Ê, bà già, biến nhanh lên, đây không ai mua đâu, vướng cửa nhà người ta!" Vừa nói, ông ta vừa thô bạo xách đôi quang lên, gần như dằn xuống một cách hằn học sang khỏi phạm vi nhà mình làm cho mấy thứ gia vị trên mẹt vãi tứ tung. Cái quang gánh vô tình đã vướng vào vạt áo bà lão, kéo bà lão mỏng mảnh, gầy guộc xuống đường. Bà lão không nói gì, ngồi dậy phủi phủi áo, nhìn ông kia với một ánh mắt tha thứ, hình như mang chút thương hại, rồi quảy đi…
 Có lẽ bà sống bên khu lao động nghèo, không biết chồng con gia đình bà ra sao, mà đã nhiều năm rồi, đúng giờ đó như đã hẹn, bà lại có mặt? Có lẽ bà đông con? Có lẽ con cái bà cũng có những đứa đang học hành ở đâu đó bằng chính những đồng tiền bà nhặt nhạnh hàng đêm, nhẫn nại, không mệt mỏi từ bao nhiều năm nay như thế? Những đồng tiền lẻ nhầu nát, nhỏ nhoi, đôi khi nhom nhoem bởi đã qua tay bao người lao động, chậm chạp vào túi bà nhờ sự chăm chỉ sẽ mang lại điều có ích cho đời?
Không biết tuổi thơ của cái ông kia gắn với điều gì nhỉ? Liệu ông ta có biết chơi bi, đánh khăng..? Có biết mùi vị của bánh bột chiên? Ông ta sống ở đó lâu lắm rồi... Không biết ông ta có bao giờ chứng kiến những lần gánh bánh bột chiên không bán được vì trời mưa, vì khách hàng quen đi vắng? Liệu có ai nhận ra gánh bánh bột chiên hình như ngày càng trĩu nặng, rồi như đẩy bà lão bươn về phía trước, nhất là những đêm mưa gió?
Rồi một đêm dông dầm dề kéo dài chừng như bởi ảnh hưởng của cơn bão xa, gánh bột chiên còn đầy nặng hơn những ngày khác lôi bà lão đi qua phố nhà tôi,  làm bà bước đi tấp tễnh, chao đảo hơn, tiếng rao văng vẳng từ đầu phố rải dần, thưa dần, nhỏ dần, nhỏ dần rồi chìm vào màn mưa đêm cuối phố…
Thương thay, những lời rao đêm ấy là những lời cuối cùng, những đêm sau đó và rất nhiều đêm sau nữa, bà con hàng phố không còn nghe thấy tiếng rao bột chiên, vì sáng hôm sau người ta thấy thân thể cứng ngắc tím tái của bà ướt sũng bên gốc cây, có thể bà đã vấp phải vỉa hè do bước chân mệt mỏi, do gió mưa, do đuối sức. 
Một thời gian sau khi bà bột chiên chết có những ô cửa sổ vẫn mở ra lúc gần nửa đêm, nó mở theo thói quen hay để tưởng nhớ một linh hồn lương thiện đã đi trên đường trần thế một cách lặng lẽ lầm lũi nhẫn nại.. mà khi chết đi đem theo một bí mật.
Bí mật mà bà bột chiên tưởng đã mang theo xuống mồ đáng để viết thành tập truyện dài, thành pho tiểu thuyết..: BÀ CHÍNH LÀ MẸ ĐẺ CỦA CÁI ÔNG QUĂNG QUANG GÁNH CỦA BÀ đêm ấy
Thì ra trong vạn nẻo đường đời có một nẻo mà người mẹ luôn muốn đi đó là nẻo có thể dõi theo con mình, cho dù nó không còn là con thậm chí không thành người đi chăng nữa..!
Thời gian vô tình trôi… tiếng rao loang dần, tan dần rồi rơi vào quên lãng, vào cõi hư vô, cõi muôn trùng...

THI YÊN ĐÌNH NGUYÊN